Thiếu phiên dịch viên, bệnh nhân đặc biệt thiệt thòi về cơ hội chăm sóc y tế

Các bệnh nhân câm điếc hiện nay đang rất khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế, do thiếu phiên dịch viên ngôn ngữ, ngay cả ở bệnh viện tuyến trung ương. Thực trạng này đưa tới những hệ lụy ra sao và đâu là phương hướng để cải thiện vấn đề?

Ở nước ta hiện có khoảng 1 đến 2,5 triệu người câm điếc và người khiếm thính, tuy nhiên có rất ít phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu (Ảnh: Thanh Niên)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Năm 2019, Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam có dự án phối hợp với Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế triển khai tập huấn kiến thức y tế, sức khỏe cho người câm điếc.

Từ Dự án này cho thấy, nhu cầu tìm hiểu và sử dụng các dịch vụ y tế của người khiếm thính cũng giống như người bình thường.

Song, các bệnh viện không có dịch vụ hỗ trợ nên việc tiếp cận rất khó khăn khiến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra; có trường hợp một thai phụ khiếm thính đi khám thai nhưng suýt nữa bị chỉ định đình chỉ thai bởi vì người này không thể diễn đạt cho bác sỹ hiểu là mình đi khám thai trong khi bác sỹ nghĩ rằng đi đình chỉ thai.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Anh, Điều phối viên quốc gia của Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam có nhiều nguyên nhân khiến việc người điếc rất khó khăn khi tiếp cận với dịch vụ y tế:

 

“Vì hiểu biết của các bạn, các kiến thức về y tế, sức khỏe rất hạn chế và việc giao tiếp khi đến bệnh viện khi có vấn đề về sức khỏe thì gặp nhiều khó khăn, kể cả có người nhà hỗ trợ thì việc giao tiếp với bác sỹ cũng gặp khó khăn vì nhiều gia đình cũng không giao tiếp được với con em mình bằng ngôn ngữ ký hiệu”.  

Bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trong thực tế khám chữa bệnh, nếu như người câm điếc không có người đi kèm để phiên dịch thì bác sỹ không thể giao tiếp với bệnh nhân vì các bác sỹ không được đào tạo để có thể trao đổi với những bệnh nhân đặc biệt này:

 

“Về nguyên tắc khi khám chữa bệnh đầu tiên phải hỏi bệnh, giao tiếp với bệnh nhân, sau đó giải thích cho bệnh nhân, nắm bắt nguyện vọng của bệnh nhân – đấy là sự tương tác giữa người thầy thuốc với người bệnh. Nếu như không có phiên dịch mà chỉ có bệnh nhân câm điếc với nhân viên y tế thì rất khó khăn để triển khai công việc, thậm chí là không thể”.

Ở nước ta hiện có khoảng 1 đến 2,5 triệu người câm điếc và người khiếm thính, tuy nhiên có rất ít phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu.

Riêng tại Hà Nội hiện chỉ có 6 người đạt đến trình độ có thể dịch các lĩnh vực cho người điếc, trong cả nước có khoảng 10 người.

Một con số quá nhỏ bé so với số lượng người câm điếc. Thực trạng này khiến người điếc bị cô lập, dễ tổn thương và bị phân biệt đối xử trong cộng đồng nói chung và trong khi tiếp cận dịch vụ y tế nói riêng:

Để cải thiện vấn đề này, chị Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho rằng, các bệnh viện cần tăng cường hỗ trợ bệnh nhân câm điếc, công khai thông tin liên hệ phiên dịch viên trên hệ thống để người câm điếc có thể biết tới:

 

“Cần đưa danh mục người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ cho bệnh nhân là người câm điếc khi họ đi vào khám, hoặc người sử dụng danh mục này có thể đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Thứ hai bản thân các đơn vị cung cấp dịch vụ phiên dịch ký hiệu cũng cần có các đội ngũ được đào tạo sâu hơn về chuyên ngành trong bệnh viện”.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc đào tạo đội ngũ phiên dịch viên ký hiệu có kiến thức y tế là một nhu cầu cấp thiết. Ở nhiều nước trên thế giới có các trung tâm đào tạo để những cán bộ chuyên ngành y tế có thể tới học ngôn ngữ ký hiệu.

Ở nước ta hiện nay chưa có điều kiện để triển khai việc này nên nhiều ý kiến cho rằng, các nhân viên y tế làm công tác xã hội cần được tăng thêm năng lực, kỹ năng giao tiếp với người khiếm thính hoặc ngược lại, ngành y tế chủ động trang bị kiến thức y tế cho đội ngũ phiên dịch ký hiệu hiện có. Bác sỹ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe nêu ý kiến:

 

“Nhân viên y tế người ta mới hiểu được bệnh nhân cần gì, tôi rất mong muốn trong các phòng công tác xã hội của các bệnh viện tuyến trung ương, cấp tỉnh nên có ít nhất một người có nghiệp vụ về vấn đề ngôn ngữ ký hiệu để có thể hỗ trợ được các bệnh nhân khó khăn”.  

Kể cả khi xây dựng được đội ngũ phiên dịch viên ký hiệu trong lĩnh vực y tế thì cũng còn những băn khoăn về việc chi phí thù lao cho những người làm công tác phiên dịch ngôn ngữ sẽ lấy từ đâu? Từ bản thân bệnh nhân; từ bệnh viện chi trả hay sẽ được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế.

Bất kỳ sự khiếm khuyết nào về sức khỏe và chức năng sinh lý bình thường đã là thiệt thòi. Nhưng đối với người câm điếc, đó còn là gốc rễ của mọi sự thiệt thòi

Khiếm khuyết của bản thân khiến những người câm điếc bị cô lập và dễ tổn thương trong cuộc sống thường ngày, họ càng buồn hơn khi có vấn đề về sức khỏe và phải đi thăm khám mà thiếu sự hỗ trợ cần thiết.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, có một sự thật đáng buồn hơn nữa nằm ở việc thiếu vắng những tiếng nói cất lên vì quyền bình đẳng của người khuyết tật. 

Có một sự thinh lặng đáng buồn hơn

 

Nếu nói người câm điếc còn khó khăn khi tiếp cận cơ sở khám chữa bệnh, mô tả này khá nhẹ nhàng, chưa đủ thu hút một sự lưu tâm. Nhưng nếu nói, cả một tỉnh chỉ lác đác mấy người được chăm sóc sức khỏe, sẽ thấy vấn đề rất khác.

Gần 1,3 triệu người khuyết tật câm điếc và khiếm thính (theo thống kê chưa đầy đủ ở nước ta), tương đương với cả một tỉnh nằm trong nhóm 1 về quy mô dân số, như Bắc Ninh, Quảng Ninh.

Bất kỳ sự khiếm khuyết nào về sức khỏe và chức năng sinh lý bình thường đã là thiệt thòi. Nhưng đối với người câm điếc, đó còn là gốc rễ của mọi sự thiệt thòi. Bởi ngôn ngữ là chìa khóa của mọi cánh cửa đến với cuộc sống, với xã hội.

Ngay cả khi trời thương cho họ một sức khỏe tốt, hiếm khi phải đến bệnh viện, thì cơ hội học hành, cơ hội vui chơi, cơ hội hưởng thụ văn hóa tinh thần của họ ra sao, kết nối cộng đồng thế nào, nếu không liên kết được ngôn ngữ?

Đó là câu hỏi đau đáu đang đặt ra, khi những đô thị hàng đầu như Hà Nội, TPHCM, số thông dịch viên ngôn ngữ câm điếc chưa đếm đủ mười đầu ngón tay. Sự thiệt thòi từ ngôn ngữ cũng đẩy họ đến hàng loạt những bi kịch khác, như nghèo đói, sống phụ thuộc, dễ bị bạo hành và lạm dụng, cơ hội sống hạnh phúc trở nên mong manh….

Do vậy, để đảm bảo quyền bình đẳng cho người câm điếc và khiếm thính trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng nhiều lĩnh vực khác, cần xóa “vùng trắng” về phiên dịch ngôn ngữ đối với nhóm này. Những cơ sở giáo dục như Trường câm điếc Xã Đàn còn quá ít ỏi so với nhu cầu.

Số lượng phiên dịch viên ngôn ngữ cần đông đảo hơn, chuyên nghiệp hơn, để tăng cường cho các trường học, bệnh viện, các dịch vụ công và những cơ sở phúc lợi khác.

Các bác sĩ, giáo viên cần được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng để có thể chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn với người câm điếc. Các dịch vụ công thiết yếu luôn dành một bộ phận để đón tiếp và hỗ trợ người đặc biệt…

Tuy nhiên, tất cả sự thay đổi đó không thể tạo ra từ lòng thương, tinh thần tự nguyện, mà cần được cụ thể hóa thành trách nhiệm, ràng buộc trên những văn bản pháp quy trong từng lĩnh vực.

Câu chuyện của người khuyết tật với giao thông suốt thập kỷ qua là ví dụ nhãn tiền.

Sau những đề nghị khẩn thiết và không mệt mỏi của báo chí – trong đó có VOVGT, đã có thêm những vỉa hè tiếp cận xe lăn, thêm những công trình xây dựng có đường vát chéo. Song, lối lên xuống giữa hè với đường, giữa thềm với sân gần lại như dốc đứng, những đường riêng của xe lăn làm xong chỉ dành để đỗ ô tô.

Những ụ, những hố, những cột giăng thiên la địa võng trên hè, khiến người lành còn nản lòng chứ đừng nói người khiếm thị hay khuyết tật vận động.

Chuyện cười ra nước mắt đó xuất phát từ việc thực thi các thiết kế tiếp cận cho người khuyết tật chỉ làm cho xong, làm đối phó, và khâu kiểm tra giám sát cũng dễ dãi qua loa.

Quan điểm về quyền bình đẳng của người khuyết tật nói chung và người câm điếc nói riêng cần được thấm nhuần trong quá trình hoạch định chính sách, và được thực thi bằng trách nhiệm, bằng lương tâm, bằng sự khắt khe trong giám sát, nghiệm thu, thay vì kiểu làm ban ơn, chiếu cố. Đó mới là điểm mấu chốt của vấn đề.

Người câm điếc và khiếm thính vốn đã sẵn tự ti trong thế giới lặng thinh. Nhưng có một sự thinh lặng còn đáng buồn hơn, đó là khi thiếu vắng những tiếng nói cất lên vì quyền bình đẳng đương nhiên của họ./.