Thi tuyển kiến trúc cầu Thượng Cát gần 8.300 tỷ đồng bắc qua sông Hồng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát. Đối tượng dự thi là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trong nước.

Cầu Thượng Cát là dự án giao thông huyết mạch nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng.

Thiết kế cầu Thượng Cát do đơn vị tư vấn thực hiện. Nguồn: Ban quản lý dự án công trình giao thông

Cầu được thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820m, chiều rộng 33m. Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt toàn tuyến đường Vành đai 3,5; kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.

Dự án cũng giúp giảm tải lưu lượng phương tiện cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Văn Duân, giai đoạn thi tuyển gồm 2 vòng.

Vòng 1 (vòng chấm điểm), mỗi đơn vị dự thi được tham gia tối đa 2 phương án. Hồ sơ dự thi được chuyển đến từng thành viên hội đồng thi tuyển nghiên cứu.

Ở vòng 2, hội đồng thi tuyển sẽ thảo luận; từng thành viên hội đồng bỏ phiếu xếp hạng giải Nhất, Nhì, Ba từ 5 phương án được chọn ở vòng 1. Kết quả được tổng hợp và báo cáo UBND thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận.

Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài cầu và đường hai đầu cầu khoảng 5,2km; vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là chủ đầu tư.

Trong đó, dự kiến dự án hoàn thành công tác phê duyệt phương án kiến trúc trong tháng 12/2023; phê duyệt dự án trước tháng 6/2024; khởi công dự án quý 1/2025 và hoàn thành dự án trong năm 2027.

Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. 9 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).