Thí điểm vận chuyển khách từ Hải Dương đến sân bay: Nên hay không?

Bộ GTVT đang lấy ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương về thí điểm vận chuyển hành khách từ trung tâm đô thị, trung tâm du lịch của tỉnh Hải Dương đến Cảng hàng không Nội Bài, Cát Bi để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân.

Dịch vụ này nên được tổ chức như thế nào? Dưới dạng xe buýt hay xe hợp đồng? Nếu thực hiện được điều này sẽ có tác động như thế nào đến tình hình TT ATGT trên dọc tuyến?

Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với TS. Phạm hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.

 

PV: Bộ GTVT đang lấy ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương về việc đưa đón khách từ các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đến các sân bay Nội Bài, Cát Bi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Phạm hoài Chung: Việc Bộ GTVT lấy ý kiến về các việc thúc đẩy hoạt động vận tải phục vụ người dân bởi các nhu cầu khác nhau, đặc biệt trường hợp ở đây là ý kiến của Hải Dương là việc hết sức cần thiết và cần phải nghiên cứu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần rà soát kỹ các đặc điểm của khai thác loại hình vận tải này để có cái quản lý cho phù hợp.

Ảnh nh họa: VOV

PV: Nếu tổ chức mô hình này thì sẽ tổ chức theo hình thức vận tải như thế nào cho phù hợp? xe buýt, xe hợp đồng hay xe khách tuyến cố định?

TS. Phạm hoài Chung: Về bản chất thì nó phụ thuộc vào nhu cầu, số lượng hành khách sẽ được phục vụ đi, đến các đầu mối vận tải như cảng hàng không, bởi vì đặc điểm, tính chất của khách sẽ theo mùa vụ và có sự biến động theo thời gian, do đó thì hình thức nên nghiên cứu thì có thể là xe hợp đồng để đảm bảo tính chất đa dạng về mặt thời gian, cũng như về mặt số lượng hành khách và tính không ổn định của loại hình này.

Còn nếu chúng ta mà khai thác theo hình thức xe buýt thì nó sẽ có những hạn chế nhất định, đặc biệt là phải tuân thủ theo Nghị định 10 và Nghị định 47 sửa đổi Nghị định 10 về các quy định về hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

Do đó chúng ta cần thí điểm đánh giá thực tiễn đối với một số tuyến khai thác trong trường hợp cụ thể để đề xuất cái quản lý chính sách, mà đây không phải chỉ phục vụ riêng cho một tỉnh, mà cái này cũng sẽ là những điều kiện để nâng cao và mở rộng năng lực phục vụ chung đối với các tỉnh, thành phố liền kề với các đầu mối cảng hàng không, sân bay như Nội Bài, Cát Bi và một số tỉnh khác.

Việc Bộ GTVT thí điểm lấy ý kiến là việc hết sức cần thiết để đảm bảo một chính sách đưa ra phù hợp với thực tiễn và tránh các rủi ro không đáng có.

PV: Các đề xuất dạng này sẽ giúp ích gì cho việc chúng ta theo dõi những lượng khách đến các khu du lịch để từ đó lập kế hoạch phục vụ một cách hiệu quả hơn?

TS. Phạm hoài Chung: Thực ra hoạt động vận tải, đặc biệt là các khu vực du lịch, lễ hội thì thường là theo các sự kiện và theo thời điểm nhất định, có thể có tốc độ tăng trưởng đột biến, gây ra ùn tắc tại một số thời điểm.

Việc chúng ta cần phải có các giải pháp đồng bộ đối với từng địa phương thì việc nghiên cứu một hình thức để hỗ trợ giải tỏa lượng hành khách đi và đến các điểm khu du lịch với các đầu mối giao thông vận tải cũng là việc cần thiết phải nghiên cứu.

Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá rất thận trọng, bởi hành khách tham quan, nghỉ dưỡng hoặc tới các khu du lịch thì có sự biến động, có sự thay đổi về số lượng rất lớn vào các mùa trong năm, nên chúng ta cũng cần phải có tính toán hoặc là đưa ra các giải pháp trong thời điểm nhất định đối với các khu du lịch, các trung tâm của các đô thị thì cũng phải có các điều tra khảo sát và có nghiên cứu đánh giá để hình thành tuyến vận tải cho phù hợp để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!