Thân phận vỉa hè

Mỗi dịp cuối năm, thành phố lại bộn bề bởi những đoạn vỉa hè được bóc lên lát lại do xuống cấp. Người Hà Nội đã quen với điều đó, dù sự quen đó không hề dễ chịu. Nhà báo Phạm Trung Tuyến, nhìn nhận thân phận của vỉa hè Hà Nội với rất nhiều cảm thương.

 

Số phận của vỉa hè Hà Nội thực sự rất đáng thương. Cứ mấy năm nó lại bị đào lên lát lại vài lần vì xuống cấp, mấy năm một lần nó trở thành thứ bị người dân gọi tên để nguyền rủa vì cản trở đi lại, vì bụi bặm ngổn ngang, vì tốn tiền tốn của.

Vỉa hè ở các đô thị tử tế thì nó chỉ là hạ tầng giao thông cho người đi bộ, là khoảng đệm an toàn giữa công trình xây dựng với đường giao thông. Nhưng ở Hà Nội, vỉa hè vừa là chỗ bán hàng, vừa là chợ, vừa là mặt bằng sản xuất, vừa là bãi giữ xe.

Với công năng thiết kế cho mục đích bộ hành, mà vỉa hè phải gánh tải của những chiếc xe nặng cả tấn vẫn hồn nhiên lao lên. Vì thế, dù nó có được lát bằng bất cứ loại đá nào thì độ bền cũng không thể đảm bảo.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội, cứ cuối mỗi năm lại phải phê duyệt khoản kinh phí hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, làm mới vỉa hè, tôi nghĩ họ trong lòng họ hẳn cũng phải bứt rứt nhiều lắm!

Không duyệt thì vỉa hè xuống cấp, mà vỉa hè là một phần mặt tiền của đô thị, khi nó xuống cấp thì đô thị nhếch nhác không nhìn được.

Phải duyệt thôi, mà duyệt thì người dân phàn nàn, truyền thông giễu cợt, chính khách mỉa mai.

Trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều đoạn vỉa hè được lát đá tự nhiên nứt toác sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng. Ảnh: ANTĐ

Với một đại đô thị như Hà Nội, có rất nhiều vấn đề dân sinh quan trọng cần giải quyết. vỉa hè chỉ là một vấn đề rất nhỏ. Không những nhỏ, mà luật pháp, quy định đối với công năng của vỉa hè cùng rất mạch lạc rồi.

Thế nhưng, năm nào cũng thế, suốt nhiều năm qua, khi cái nắng đầu đông mang đến khoảng thời gian đẹp nhất trong năm cho Hà Nội thì vỉa hè lại được đào lên lát lại trong sự khó chịu của người dân.

Điều đó, khiến đôi lúc tôi cảm thấy hồ nghi, rằng có phải đối với các đời lãnh đạo Hà Nội, chuyện cái vỉa hè nó bé quá nên chưa từng được đặt ra một cách rốt ráo, hay bởi vì nó có quá nhiều khúc mắc để người ta ngần ngại?

Về mặt lý lẽ, không có gì khó khăn đối với việc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Nhưng, trên thực tế, khi ông Đoàn Ngọc Hải ra tay dẹp loạn vỉa hè ở quận 1, TP.HCM, ông đã trở nên cô đơn và bất lực, đến nỗi phải cởi áo từ quan.

Ông Hải không thể thành công khi mà chỉ dẹp chỗ này mà không dẹp chỗ khác trong cùng một địa bàn. Ông không thể bắt người dân phải phá bỏ công trình lấn chiếm, không đỗ xe trên hè, khi mà cùng địa bàn ấy vẫn có những người làm như vậy, mà ông Hải không thể đụng vào.

Ở vị trí cao hơn ông Hải, những lãnh đạo thành phố như Hà Nội, TP.HCM, họ có làm được việc lập lại kỷ cương, đưa vỉa hè trở lại phục vụ đúng với công năng của nó, sống đời sống thực sự của cái vỉa hè hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào ý chí của chính họ.

Nếu họ nhìn cái vỉa hè chỉ đơn thuần là một kết cấu vật liệu xây dựng, và đồng tiền ngân sách để tu bổ là vô hạn, họ sẽ không có nhiều động lực để đối mặt với những sự cản trở để làm việc này.

Nhưng nếu họ nhìn nhận cái vỉa hè là một phần mặt tiền của đô thị, và sự ngăn nắp, chỉn chu của cái vỉa hè phản ánh khả năng quản trị của lãnh đạo thành phố, thì số phận của vỉa hè sẽ sáng sủa hơn.

Khi những cái vỉa hè được trả lại công năng là đường cho người bộ hành, là hành lang an toàn giữa công trình xây dựng và đường giao thông, những viên đá sẽ có tuổi thọ giống như quảng cáo, và người dân, trừ những người đang hưởng lợi nhờ chiếm dụng vỉa hè, sẽ thấy thành phố đáng sống hơn, thấy bản thân mình thuộc về thành phố này hơn.

Và có lẽ, nếu như giành lại được vỉa hè thành công, điều đó có thể trở thành di sản của một nhiệm kỳ./.