Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai, nếu muốn tới vùng lũ cứu trợ bắt buộc người dân phải hiểu và có kĩ năng, tránh biến chính mình thành người cần ứng cứu.
PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với TS. Nguyễn Ngọc Huy về vấn đề này.
PV: Như ông đã nói, chúng ta cần hiểu rõ và phân biệt cứu hộ và cứu trợ để không gây thêm khó khăn khi hỗ trợ vùng lũ. Cụ thể ra sao?
TS. Nguyễn Ngọc Huy: Rõ ràng chúng ta phải phân biệt được các cái giai đoạn khác nhau của thiên tai để chúng ta áp dụng các cách cứu hộ hay là cứu trợ.
Thông thường với cái cơn lũ lớn như thế này và trong trường hợp khẩn cấp thì chúng ta áp dụng phương pháp cứu hộ, các hành động về cứu hộ.
Sau khi các hành động về cứu hộ hoàn thiện thì có thể song thành hoặc là chậm hơn một chút, các hoạt động cứu trợ khi đó mới được tiến hành. Tình huống thiên tai khẩn cấp thì công tác cứu hộ nên để cho các cơ quan chức năng, các lực lượng chuyên nghiệp, còn việc cứu trợ thì có thể đến muộn hơn.
Việc cứu trợ có thể đến từ các Ủy ban Quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc các nhóm thiện nguyện.
PV: Vậy khi người dân tham gia hoạt động cứu trợ thì cần chú ý những gì?
TS. Nguyễn Ngọc Huy: Đối với giai đoạn cứu hộ thì tôi khuyến cáo là những lực lượng chuyên trách mới thực hiện công tác này, người dân hoặc lực lượng khác nếu muốn tham gia cứu hộ (trong trường hợp được kêu gọi) thì phải là những lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, phải tính đến các phương án an toàn cho chính mình và trang bị bảo hộ đầy đủ, nguyên tắc đó là không biết bơi thì không lên thuyền.
Địa hình của ền núi phía Bắc rất khác với lũ của khu vực ền Trung, các thuyền và các cano từ dưới xuôi tiếp cận lên ền núi phía Bắc mà nếu người lái thuyền và lái cano không có kinh nghiệm thì rất dễ vướng phải các địa hình nguy hiểm và như vậy thì ngay cả những người có chuyên môn, bằng cấp về lái tàu, lái cano cũng có thể gặp sự cố.
Chúng ta phải biết phân biệt rõ ràng các vùng nước nào, loại thuyền nào và nhân lực nào được phép hoạt động, rất cần sự hợp tác giữa các lực lượng cứu hộ, cứu trợ với các cơ quan chức năng của địa phương, và trong đó thì có Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở các tỉnh thì nó sẽ không có tính tự phát.
Mà chúng ta biết nếu như tự phát mà thiếu kinh nghiệm thì đồng thời cũng sẽ đem đến rủi ro đối với người cứu hộ, tăng thêm mức độ rủi ro và tăng thêm công việc cho các cơ quan địa phương.
PV: Vậy còn người dân đang mắc kẹt giữa nơi ngập lụt, chưa được giải cứu thì cần làm gì lúc này?
TS. Nguyễn Ngọc Huy: Điều quan trọng nhất đó là giữ bình tĩnh, khi nước ở ngoài đường đang lớn thì không mạo hiểm rời khỏi nơi tránh trú của mình. Trong trường hợp nếu như nơi tránh trú của mình vẫn còn có chỗ cao để trú ẩn thì việc đi ra ngoài khi nước còn đang ngập sâu sẽ nguy hiểm, đó là chúng ta không phán đoán được mực nước đang bao nhiêu và rất dễ có thể bị nước cuốn.
Điểm thứ hai, khi mà đang ở vùng nguy hiểm thì cần phải ưu tiên thứ nhất, đó là về tính mạng của những thành viên trong gia đình, tìm xung quanh ở khu vực của mình xem là bất cứ thứ gì có thể kết lại thành bè nổi, phao nổi, những thứ có thể tạo thành các bè nổi phao nổi như là thân cây chuối, nhiều cây tre, thân tre ghép lại với nhau, hay là các chai nhựa với dung tích từ 2 lít trở lên và các bình nước 20 lít.
PV: Và với những khu vực được cảnh báo sắp ngập, theo ông người dân nên làm gì lúc này?
TS. Nguyễn Ngọc Huy: Đối với các vùng mà chưa lụt và sắp lụt thì người dân cần phải lưu ý đến các yếu tố đó là chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với lụt. Căn nhà của mình có phải là căn nhà đủ an toàn hay không? Khi mà được dự báo có nguy cơ lụt thì cần sơ tán đồ đạc quan trọng đưa lên trên cao, những đồ vật nặng mà không bị ướt hoặc nếu ướt cũng không ảnh hưởng gì thì chúng ta cũng không nhất thiết phải kê lên cao.
Trong trường hợp đánh giá ngôi nhà của mình chỉ có một tầng, ở trong khu vực nguy cơ ngập lụt cao thì không ở lại trong nhà. Chúng ta phải tìm đếnnhà cao nhất và gần nhất hoặc là tuân thủ theo lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Đối với sản phụ sắp sinh thì cũng nên sơ tán đến chỗ cao hoặc là tiếp cận gần bệnh viện, phải tính đến các nhu yếu phẩm như nước uống, tích trữ cho từ ba đến bốn ngày, có thêm nước dùng cho vệ sinh.
Cái thứ ba đó là chuẩn bị về năng lượng, dụng cụ tích trữ điện, sạc dự phòng, đèn pin, có dây thừng, có áo phao hoặc là làm phao dã chiến, đồng thời cũng chuẩn bị củi hoặc bếp ga. Tất cả những thứ đó thì nên được để ở trên tầng hai, nơi mà nước lụt không tiếp cận lên được.
PV: Xin cảm ơn ông!