Tăng giá điện: Liệu có áp lực lên tiêu dùng và sản xuất? (Phần 1)

Tròn 1 tuần điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 3%, chúng ta cần làm gì để bình ổn thị trường, giá cả hàng hoá không “tát nước theo mưa”?

 Thông tin trong nước và quốc tế:

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

# Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo các tổ công tác và thành viên Chính phủ tích cực làm việc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển KT-XH ở các địa phương. 

# Bộ Tài chính vừa đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí, thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư. 

# Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN, tính đến hết tháng 4, XK thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ. 

# Riêng dệt may, dù đã được dự báo trước, DN vẫn lâm vào thế khốn đốn khi đơn giá thấp hơn dự trù từ 20-50%, thậm chí nhiều bên mới có đơn hàng đến hết tháng 5. 

# Theo Bộ LĐTB&XH, nhiều DN đang đối mặt với khó khăn phải cắt giảm lao động. Dự báo, quý II, các ngành may trang phục, sản xuất đồ gỗ cắt giảm việc làm nhiều nhất. 

# Thống kê từ đầu năm, 11 ngân hàng có động thái cắt giảm lao động. Nhưng, hầu hết các ngân hàng đều tăng mức chi lương và phụ cấp cho nhân viên. 

# Bên cạnh đó, việc thắt chặt chi tiêu vẫn đang là tâm lí chung của người tiêu dùng. Cụ thể, thị trường xe máy đang khá èo uột do tình hình kinh tế khó khăn khi thống kê từ các hãng xe đang tồn kho đến 132.000 chiếc trong quý II. 

# Tương tự, dù mặt hàng điều hòa đang được giảm giá mạnh, nhiều mẫu điều hòa giảm giá tới hơn 60%, có mẫu giá chỉ từ 4 triệu đồng, nhưng sức mua vẫn khá yếu. 

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN

# Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa cảnh báo tình trạng hỗn loạn ngân hàng gần đây có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng trên diện rộng và có nguy cơ làm chậm nền kinh tế Mỹ. 

# Đáng chú ý, ngoài lạm phát, Fed còn cân nhắc cung - cầu lao động và hoạt động cho vay của các ngân hàng để đánh giá có nên tiếp tục tăng lãi suất. 

# Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa cảnh báo việc quốc hội không hành động về vấn đề trần nợ công có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp bên cạnh nguy cơ vỡ nợ. 

# Trong khi đó, Nga đang tìm cách sử dụng hàng tỷ rupee vẫn mắc kẹt tại các ngân hàng Ấn Độ, do tình trạng mất cân đối thương mại sau chiến sự ở Ukraine. 

Thông tin thị trường chứng khoán

# VN-Index đóng cửa ở mức cao trong ngày, tại 1.058,3 điểm, tăng 4,5 điểm. Độ rộng được cải thiện với 280 mã kết phiên trên ngưỡng tham chiếu.

# Sắc xanh cũng chiếm ưu thế ở nhóm vốn hóa lớn với 18 mã tăng giá. Trong đó, đóng góp từ GVR, MWG, CTG, STB… giúp VN30 tăng tốt hơn bình diện chung với biên độ 0,51%.

# Theo SSI Reseach, thanh khoản sàn HOSE tăng gần 20% theo phiên, lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 là 11,2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại thu hẹp đáng kể quy mô bán ròng, với chỉ 30 tỷ đồng.

Tăng giá điện: liệu có áp lực lên tiêu dùng và sản xuất?

Tăng giá điện liệu có áp lực lên tiêu dùng và sản xuất? (Ảnh nh họa)

# Tròn 1 tuần điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 3%, chúng ta cần làm gì để bình ổn thị trường, giá cả hàng hoá không “tát nước theo mưa”? Để trả lời câu hỏi này, VOV Giao thông có loạt bài "Tăng giá điện: liệu có áp lực lên tiêu dùng và sản xuất?". Bài đầu tiên sẽ ghi nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia về câu chuyện giá điện.

Sau bốn năm không tăng giá, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức hiện hành là 1.864,4 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm 55,9 đồng/kWh (tương ứng 3%). Theo Bộ Công Thương, giá điện đã được Chính phủ, Bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ trong 4 năm qua.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện 5 đợt hỗ trợ giảm tiền điện khoảng 15.234 tỷ đồng, nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của Covid-19 và khó khăn của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Nam – Phó TGĐ EVN chia sẻ thêm: "Đây là một trong các giải pháp tổng thể để đảm bảo cân bằng tài chính của EVN. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng để đảm bảo an sinh xã hội thì việc tăng giá điện 3% là mang tính chất tác động tối thiểu. Tuy nhiên, nó góp một phần nào cho việc giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN. Mục tiêu cao nhất EVN sẽ phải bằng mọi phương án, giải pháp để đảm bảo, dù khó khăn nhưng EVN sẽ phải cung ứng đủ điện cho đất nước, phục vụ sự phát triển kinh tế".

Việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Mức giá bán lẻ điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo các bậc thang và mức cao nhất là 3.015 đồng/kWh.

Theo tính toán, với mức tăng này, tiền điện trả thêm của các hộ dân là không đáng kể. Tuy nhiên, giữa thời buổi khó khăn do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19 như hiện nay thì đây là mối lo lớn với không ít người:

"Đối với sinh viên thì khá là vất vả, vì mùa nóng như này không bật điều hoà thì khó ngủ, nhưng bật với giá điện cao như vậy thì cũng khó chi trả".

"Toàn dân đang khó khăn và chúng ta sợ lạm phát, tuy nhỏ 3% nhưng nếu tính cả thì rất nhiều vì nó còn liên quan tới nhiều cái khác nữa".

Với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Giá điện tăng trong bối cảnh chuẩn bị bước cao điểm nắng nóng thì đối với các cơ sở kinh doanh, việc sử dụng điện nhiều hơn đã gây ra áp lực không nhỏ như chia sẻ của ông Bùi Tuấn Sinh, Giám đốc Công ty CP Kiến trúc và nội thất Vinc: "Khi giá điện tăng vô hình chung với hai mảng văn phòng và nhà xưởng sẽ tương đối là nhiều. Trong thời gian tới nếu tiếp tục tăng thì mình thấy cũng ảnh hưởng tương đối lớn với doanh nghiệp"..

Là chủ của salon tóc trên đường Cầu Giấy, Hà Nội, anh Huy Hoàng cho biết, mỗi tháng cửa hàng anh dùng hết hơn 700 số điện. Khi điều chỉnh tăng, anh tính toán sẽ phải giả thêm 70.000đ/tháng, vẫn trong khả năng chấp nhận được: "Tăng 3% thì không đáng kể nhưng thịt cá xăng dầu rồi các chi phí sinh hoạt đều tăng theo một chút. Với mùa hè này thì mình phải sử dụng điều hoà, song song mình vẫn phải sử dụng bình nóng lạnh, máy làm tóc nên sẽ tiêu tốn nhiều".

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp sản xuất lớn thì bài toán chi phí không hề đơn giản. Theo ông Bùi Anh Dũng, Giám đốc nhà máy, Chi nhánh công ty CP Vilacera Tiên Sơn, mỗi tháng nhà máy chi từ 3,5-4 tỷ tiền điện. Trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn, thêm tác động tăng giá điện doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn: "Hiện đơn hàng gần như không có, sản xuất đang cầm chừng rồi. Nếu bất cư nguyên liệu đầu vào tăng lên nữa thì sự gánh chịu của DN gần như đạt giới hạn, có thể phải dừng sản xuất".

Theo các chuyên gia, tác động của giá điện tăng 3% tới hoạt động của doanh nghiệp là có. Nhưng còn vấn đề khác là nếu không kiểm soát tốt thị trường sẽ xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa” gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhận định của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: "Giá điện tăng dù thấp hay cao, dù nhiều hay ít thì lợi dụng vào cái đó nhiều mặt hàng khác tát nước theo mưa. Đây là vấn đề mà tôi nghĩ cơ quan chức năng phải vào cuộc, phải có sự thanh tra giám sát và có sự ngăn chặn kịp thời".

Vậy giá điện tăng 3% thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ thế nào? Trong bối cảnh này, các DN phải làm gì và cơ quan chức năng liên quan cần có những giải pháp gì để kiềm chế lạm phát? Nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo.