Tác động tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia: 21 ngành bị ảnh hưởng

21 ngành sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự suy giảm của ngành bia là con số được đưa ra trong “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia” của Bộ Công thương.

Với hai phương án của Bộ tài chính đề xuất trong dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi sẽ ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế? Liệu có phương án khác phù hợp hơn để tránh gây “sốc” khi tăng nhanh và tăng dồn? 

Ảnh nh họa

Luật thuế TTĐB sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất. Phương án 1 sẽ tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%. Phương án 2 sẽ tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết, qua việc phân tích bảng đầu vào, đầu ra của nền kinh tế nhận thấy khi tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia không chỉ tác động đến ngành hàng bia mà còn tác động đến 21 ngành trong quan hệ liên ngành:

"Cụ thể đối với phương án hai thì cộng dồn của giai đoạn từ 2026 cho đến 2030 GDP của nền kinh tế giảm là 0,08 % và đây là tác động rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội đặt ra. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đánh giá đo lường các tác động ở trên các khía cạnh khác. Ví dụ như là tác động đến nguồn thu về ngân sách. Đối với nguồn thu ngân sách thì đối với cả hai phương án của Bộ Tài chính thì đều chothấy nguồn thu ngân sách về thuế gián thu là tăng. Tuy nhiên thuế gián thu chỉ tăng ở trong ngắn hạn. Còn về trung và dài hạn khi mà hành vi điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến 21 ngành trong quan hệ liên ngành thì thuế gián thu lại giảm".

Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế trực thu là thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm và với phương án hai sẽ tạo động rất nặng lên thuế thu nhập doanh nghiệp của nền kinh tế. Đồng thời khi tăng thuế càng cao thì nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp mà nhà nước thu được lại càng giảm. So sánh các tác động thì thấy thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn còn thuế thu nhập doanh nghiệp lại tiếp tục suy giảm những năm tiếp theo.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc– Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết cá nhân bà cũng như Hội tư vấn thuế đồng thuận tăng thuế TTĐB với bia, đồ uống có cồn, thuốc lá,… Nhưng vấn đề là mức độ tăng thế nào và lộ trình tăng ra sao cần cân nhắc:

"Tăng thuế TTĐB và nếu như tăng cao quá thì sẽ không đảm bảo hài hòa các lợi ích. Đó là sản xuất cũng sẽ bị khó khăn, mà rõ ràng khó khăn không phải chỉ sản xuất của nhà máy bia, mà liên quan đến cả một chuỗi cung ứng thương mại rồi đến ăn uống và du lịch.

Và nếu như thuế giám thu mình thấy nó tăng lên nhưng nếu như tổng toàn bộ tất cả ảnh hưởng đến 21 ngành thì thuế trực thu hoặc là các thuế khác như thuế giá trị gia tăng thì cũng giảm theo. Như vậy rõ ràng mình không đáp ứng được yêu cầu là tăng thuế để mà tăng giá bán bia, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng và giảm người uống rượu, bia".

Ông Giang Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO) thuộc SABECO cho rằng đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia trong dự thảo luật lần này chắc chắn sẽ tác động đến cung cầu và sản lượng tiêu thụ. Với đề xuất tăng nhanh trong một thời gian rất ngắn, bản thân Sabeco khá lo lắng bởi các khó khăn sau covid sức mua suy giảm, việc thực thi áp dụng Nghị định 100 cũng ảnh hưởng phần nào tới tiêu dùng, thậm chí tới thói quen uống đồ uống có cồn của người Việt:

"Việc đề xuất tăng thuế liên tục trong những năm tiếp theo tới năm 2030 và tăng đến mức 90 hoặc 100% thì thực sự là cú tăng shock cho doanh nghiệp. Hơn nữa chúng tôi đang không nhìn thấy một triển vọng phục hồi nhanh chóng và sáng sủa cho những năm sắp tới nếu đứng tại thời điểm này.

Do đó, việc tăng thuế có thể sẽ làm cho doanh nghiệp thực sự khó khăn và đối diện với các rủi ro về đóng cửa, phá sản, đặc biệt với các nhà máy nhỏ. Cái việc đóng cửa phá sản đấy sẽ dẫn đến một lãng phí rất lớn cho nền kinh tế, một tổn thất rất lớn với người lao động, công ăn việc làm và an sinh xã hội".

Ảnh: vneconomy

Trong Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng bia, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cũng tính cả tác động của phương án thứ 3. Đây là phương án do Hiệp hội Bia rượu nước giải khát (VBA) gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về góp ý dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi).

Cụ thể, VBA đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027; đồng thời tăng thuế ở mức 5% và với lộ trình tăng 2 năm một lần, đến mức 80% vào năm 2031, để phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp.

Khi thực hiện phương pháp với cả 3 phương án (gồm 2 phương án Bộ Tài chính đề xuất và 1 phương án do VBA kiến nghị), kết quả nghiên cứu cho thấy có những tác động ảnh hưởng đến ngành bia nhưng ở mức độ nhẹ hơn và do đó có thể giúp cho ngành có khả năng duy trì sản xuất kinh doanh cũng như tạo giá trị sản xuất trong dài hạn:

"Với phương án ba cũng giúp cho nguồn thu ngân sách tăng lên với thuế gián thu; trong khi thuế trực thu giảm ở mức độ nhẹ hơn nhiều và đảm bảo được tính hài hòa vừa được đạt được yêu cầu về tăng thu ngân sách nhưng bảo vệ được ngành tốt hơn.

Kéo theo đó thì tác động đến tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế ở mức độ nhẹ nhất so với cả hai phương án một và phương án hai của của cơ quan soạn thảo. Một điều quan trọng là đối với phương án ba thì mức độ tác động đến người lao động là nhẹ nhất.

Người lao động cũng bị sụt giảm về thu nhập, nhưng mà ở mức độ có thể điều chỉnh được hành vi hợp lý và cũng tạo ra được cái cơ hội cho doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất kinh doanh bền vững".

Còn bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ lộ trình để hài hoà lợi ích nền kinh tế: "Chúng tôi nghĩ rằng là cái thứ nhất thì chúng ta có thể xem lại cái lộ trình, lộ trình không phải là tăng ngay mà có thể tăng chậm hoặc là không phải là tăng hàng năm. Ví dụ như chọn phương án 1 là tăng 5% nhưng không phải năm nào cũng tăng.

Ví dụ như 2 năm chúng ta tăng 1 lần. Chúng ta tăng mức độ vừa phải và giãn cách khoảng thời gian thì đấy cũng là biện pháp hữu ích cho các doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh và đảm bảo phục hồi sản xuất kinh doanh".

Các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc các phương án tăng thuế, cần có lộ trình phù hợp, tránh tăng “sốc” gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu hài hòa các lợi ích, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh và tăng thu cho ngân sách Nhà nước./.