Sửa Luật Đường sắt, tạo khung chính sách mang tính đột phá

Chiều 24/4, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017. Ảnh: Bnews

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho hay, Luật Đường sắt năm 2017 đã tạo khung pháp lý quan trọng cho quản lý, đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt theo hướng phân định rõ giữa quản lý nhà nước với kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, sau 5 năm thực hiện, vẫn còn một số nội dung của Luật Đường sắt chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

Chưa có cơ chế chính sách mang tính đột phá để huy động nguồn lực phù hợp với một chuyên ngành có tính đặc thù cao như đường sắt; còn bất cập trong quản lý, khai thác, bảo trì và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, đầu tư đường sắt…

“Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến thị phần vận tải đường sắt ngày càng giảm sút, chính sách ưu đãi phát triển đường sắt gần như không triển khai được. Không huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển đường sắt. Công nghiệp và nhân lực đường sắt chưa phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế, mô hình quản lý, hoạt động, vận hành còn lạc hậu...vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng là cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay.

Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên khởi hành từ ga Kép (Bắc Giang). Ảnh tư liệu: Đồng Thúy/TTXVN

Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết, thực tế việc bố trí kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đáp ứng được nhu cầu. Từ khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực, chưa có km đường sắt quốc gia nào được xây dựng thêm.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng. Thực tế hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 5,8% so với nhu cầu.

Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt quốc gia trong tổng thể nguồn vốn được bố trí qua Bộ Giao thông Vận tải là 18.657/227.841 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,19%.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc sửa đổi lần này cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ, bám vào các quy định, điều luật cụ thể, nêu rõ tại sao không khả thi, bao gồm cả tác động từ các luật khác, từ đó xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung chi tiết.

“Đối với bố trí vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, cần phân tích rõ quy định tại Luật Đường sắt 2017, những quy định tại các luật khác để đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung mang tính khả thi”, ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, Hà Nội quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, cần đến hơn 30 tỷ USD đầu tư. Để huy động vốn, có thể khai thác nguồn lực từ quỹ đất thông qua áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với đầu mối giao thông (TOD). Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế cụ thể về mô hình này.

“Cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đặc thù, cơ chế, chính sách ưu đãi để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Có cơ chế khai thác hiệu quả nguồn lực thông qua áp dụng mô hình TOD để huy động nguồn vốn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị.

Các đánh giá tại hội nghị đều thống nhất, sau 5 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017, chưa có cơ chế đột phá về đầu tư phát triển đường sắt. Ảnh: Báo Giao thông

Thống nhất cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho rằng, cần quy định cụ thể cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn cho đầu tư đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng. Cùng với đó, có quy định cụ thể về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để khả thi.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đường sắt phải phù hợp với Hiến pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển đường sắt; đặc biệt là bám sát Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phải đảm bảo sự tương thích với các Điều ước quốc tế về đường sắt mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Kế thừa những ưu điểm của Luật Đường sắt 2017; bổ sung, thay thế những nội dung không phù hợp; tăng cường phân cấp, phân quyền trong hoạt động đường sắt; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển đường sắt của các nước trên thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Cùng với đó, đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp, khai thác vận tải đường sắt. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt.

Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng định hướng những nội dung cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Theo đó, về chính sách phát triển đường sắt, cần bổ sung một số quy định về chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt.

Về kết cấu hạ tầng đường sắt, bổ sung các quy định về mô hình phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông (TOD); phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt vùng…

Ga Yên Viên. Ảnh: Báo Giao thông

Về công nghiệp, phương tiện giao thông đường sắt, cần quy định các chính sách về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm cơ khí đường sắt. Xây dựng cơ chế đặt hàng cho một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nội địa hóa, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư phát triển đường sắt.

Về đường sắt đô thị, bổ sung quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; phân quyền cho UBND cấp tỉnh quản lý an toàn đường sắt đô thị, đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đường sắt đô thị.

“Về đường sắt tốc độ cao, bổ sung các quy định cụ thể về công tác đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác...; quy định quy trình phối hợp trong quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng; cơ chế chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính và thu hút, khuyến khích các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng, phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Liên quan đến nguồn lực đầu tư đường sắt, Bộ trưởng nhấn mạnh, nguồn vốn ngân sách nhà nước và ODA vẫn là chủ đạo. Các nguồn vốn khác như xã hội hóa, khai thác quỹ đất quanh ga, khai thác mô hình TOD chỉ là nguồn lực bổ sung.