Ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông những ngày đầu tháng 7/2022 trên Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương cho thấy, lưu lượng phương tiện rất đông, trung bình 60 nghìn lượt xe/ngày đêm, vượt 4 lần thiết kế.
Cộng với đó, khoảng trên 40 điểm trên tuyến đang được thi công sửa chữa mặt đường khiến diện tích xe chạy bị thu hẹp, gây áp lực lớn ở những đoạn qua cầu hoặc đoạn “thắt cổ chai”, có điểm ùn tắc từ 5-6 tiếng đồng hồ.
Theo anh Hoàng Văn Tiến, công tác tại tỉnh Hải Dương, các thời điểm ùn tắc ghi nhận chủ yếu trong giờ cao điểm từ 6h-8h và 17h-19h30, với sự xuất hiện của nhiều xe đầu kéo, container siêu trường, siêu trọng, xe cá nhân của công nhân các khu công nghiệp.
“Chúng tôi đi làm từ 6h đến giờ là 9h kém mà xe của chúng tôi vẫn chưa di chuyển được trên QL5, chúng tôi lo lắng không biết bao giờ mới đến được công ty”, anh Tiến cho biết.
Còn theo anh Đoàn Phú, một tài xế thường xuyên đi trên Quốc lộ 5, bên cạnh công tác phần luồng, hướng dẫn từ xa chưa được tốt, thì chính một số điểm thi công, như đường dẫn lên cầu Phú Lương, nơi phân chia làn xe thô sơ với xe cơ giới, công tác trải thảm không được vuốt nối êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho các phương tiện.
“Chỗ này gồ lên quá, vẫn phải xử lý thêm. Nếu đi tốc độ cao thì không an toàn lắm. Mình đi quen rồi không nói, nhưng xe lạ đi qua thì chắc chắn phải phanh gấp. Chỗ này cần xử lý lại mặt đường”, anh Phú cho biết.
Tổng công ty Vidifi, đơn vị quản lý Quốc lộ 5, cho biết, hiện các gói thầu thi công sửa chữa mặt đường Quốc lộ 5 đang được triển khai. Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông, đơn vị đã triển khai trước hơn 40 điểm sửa chữa, đoạn 20 cây số từ Km46 đến Km65.
Từ nay đến cuối năm 2022 sẽ nâng số điểm sửa chữa lên thành 64 điểm. Riêng 10 cây số còn lại từ Km65 đến Km76, sẽ triển khai và hoàn thành vào năm 2023.
Ông Phạm Việt Sơn, Phó Tổng giám đốc công ty Vidifi chia sẻ: “Chúng tôi đã có 1 số giải pháp là hạn chế thi công vào các giờ cao điểm, tập trung vào giờ phương tiện ít và thi công vào ngày cuối tuần.
Mặt khác VIDIFI cũng đôn đốc các nhà thầu thi công nhanh nhất có thể để rút ngắn thời gian thi công, phối hợp với CSGT phân luồng, điều hành tại các điểm có tuyến đường tránh để phân luồng từ xa trong quá trình thi công”
Trong cuộc họp liên ngành thống nhất phương án phối hợp nhằm đảm bảo ATGT trong quá trình thi công sửa chữa mặt đường Quốc lộ 5, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hải Dương, thẳng thắn cho biết, sự phối hợp giữa Vidifi với lực lượng chức năng còn hạn chế. Ông Phong đề nghị lập đường dây nóng giữa đơn vị quản lý đường, đơn vị thi công với các lực lượng của Hải Dương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Công, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Thành cho rằng, Quốc lộ 5 đi qua địa bàn huyện có những vị trí rất xấu và việc sửa chữa hết sức cấp thiết. Trên địa bàn huyện có nhiều khu công nghiệp lớn như Lai Vu, Phú Thái, cao điểm có thể tới 2 vạn công nhân ra vào nên các đơn vị thực hiện dự án cần tính toán đường đi để không ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp.
Ông Công lưu ý thêm về bản báo cáo của đơn vị quản lý đường: “Trong báo cáo này chưa nêu được vấn đề cần biết rằng những đoạn thi công đã có những bất cập gì xảy ra, có khắc phục được không, có thì làm thế nào. Từ đây, có thể rút kinh nghiệm cho các địa phương tiếp theo có dự án sửa mặt đường đi qua. Đây là vấn đề rất quan trọng”.
Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương cho rằng, tiến độ thi công chậm, gây ùn tắc kéo dài không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, thời gian của xã hội, còn ảnh hưởng lớn đến công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ. Vì vậy, đơn vị quản lý đường, chủ đầu tư và nhà thầu thi công cần tăng cường lực lượng tinh nhuệ nhất để hỗ trợ cơ quan chức năng phân luồng, hướng dẫn tại các điểm thi công.
Ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho rằng, cần sự phối hợp hết sức nhịp nhàng, hiệu quả, xác định trách nhiệm, vai trò rõ ràng giữa các lực lượng. Đặc biệt, lực lượng CSGT sẽ phải luôn có mặt ở mọi điểm nóng về thi công để kịp thời phối hợp phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông.
Ông Vũ Văn Tùng đề nghị Vidifi rà soát, kiện toàn các công việc nhỏ, cụ thể hàng ngày, vuốt nối êm thuận mặt đường sau bảo trì, bố trí thời gian, chiều dài thi công hợp lý, thiết lập ngay đường dây nóng, group chat với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, chủ động cung cấp thông tin, gắn bó mật thiết để được hỗ trợ từ Kênh VOV Giao thông, Ban ATGT, Phòng CSGT Hải Dương.
Văn phòng Ban ATGT tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra thực địa ít nhất 1 lần/tuần, có báo cáo hàng tháng đối với dự án trọng điểm này trong các cuộc họp giao ban.
“Chúng tôi xác định rằng, đã có phối hợp, tự giác rồi nhưng cũng cần thực hiện nghiêm xử phạt các vấn đề vi phạm. Kể cả ban quản lý đường, đơn vị thi công nếu vi phạm thì chính quyền địa phương, công an có quyền xử phạt và công khai các vi phạm này”
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình khẳng định, các bên có liên quan cần chuẩn bị một kế hoạch chu toàn, để hạn chế tối đa ùn tắc tại tuyến đường huyết mạch QL5. Mà ở đó, cần hơn hết vai trò của một “nhạc trưởng” có trách nhiệm điều phối, đôn đốc.
“Kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì khi có sửa lớn, thời gian dài trên cung đường huyết mạch thì thường người ta sẽ có thông báo sớm từ 1 -2 tháng để cho đơn vị đi qua cũng đường đó nắm được thời gian, thời điểm sửa chữa và dự trù mức độ ùn tắc có thể xảy ra để nên kế hoạch vận tải với khoảng thời gian di chuyển dài hơn thông thường”
Người đi đường phải thông cảm đến bao giờ?
Cách đây không lâu, VOV Giao thông từng đề cập tình trạng cư dân, người đi đường ám ảnh, sợ hãi vì công trình thi công chậm, kéo dài. Và nếu để nêu một ví dụ sinh động nhất trên đường phố Việt Nam ở thời điểm hiện tại, chắc hẳn sẽ có tên Quốc lộ 5, tuyến đường có lưu lượng giao thông cao nhất ền Bắc.
Trước đây, Quốc lộ 5 chưa từng được đại tu. Và lần sửa chữa mặt đường hiện tại đã được chờ đợi từ rất lâu, để tuyến đường này trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, có vẻ như công tác chuẩn bị chưa được tính toán kỹ lưỡng cho kịch bản số lượng xe vẫn duy trì ở mức 60 nghìn lượt/ngày đêm, trong khi diện tích thi công khiến mặt đường hẹp lại đáng kể, có đoạn bị thắt cổ chai.
Hậu quả có thể nhìn thấy rõ khi Quốc lộ 5 liên tục lâm vào cảnh ùn tắc triển ên vào các khung giờ cao điểm. Việc thi công chậm là việc đã đành, nhưng khả năng bố trí lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông và tối ưu hóa diện tích thi công cũng đang khá bị động.
Việc rào chắn vẫn cố định, thiếu linh hoạt, dù có hay không có hoạt động thi công, gây cản trở lưu thông. Phương án thi công vào ban đêm, giờ thấp điểm đã được tính đến nhưng chưa triển khai có hiệu quả. Lực lượng phân luồng chủ yếu là tại chỗ, chưa tính việc phân luồng từ xa. Một số nơi dụng cụ thi công còn vương vãi, công tác vuốt nối trải thảm chưa êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Công ty được giao quản lý và khai thác đường chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương. Trong khi về mặt chỉ đạo nhà nước, Tổng cục đường bộ, Sở GTVT địa phương lại chưa có được sự đôn đốc, giám sát sát sao.
Dù dự án đã được bắt đầu từ tháng 1/2022, nhưng đến nay, khi xuất hiện các điểm ùn tắc phức tạp, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể thời gian, lời khuyên đi lại an toàn cho người dân mới được các cơ quan hữu trách rục rịch tiến hành. Đường dây nóng phối hợp giữa các bên liên quan cũng mới được đề cập để thiết lập.
Có thể thấy tình trạng “đẽo cày giữa đường” đang xảy ra ở dự án trọng điểm này. Thông thường, khi phê duyệt biện pháp thi công, chủ đầu tư cũng cần phê duyệt kèm theo phương án phân luồng giao thông. Bởi lẽ, Quốc lộ 5 có ít tuyến đường thay thế, đặc biệt đối với xe kinh doanh vận tải nếu bị cấm, sẽ bị ép đi cao tốc với chi phí lớn hơn nhiều. Việc lựa chọn công nghệ để rút ngắn thi công, phối hợp nhịp nhàng để tổ chức giao thông hợp lý sẽ giúp dự án ít ảnh hưởng nhất tới việc đi lại của người dân, doanh nghiệp.
Người đi đường đã nhận được lời xin lỗi, mong thông cảm từ các đơn vị có liên quan. Nhưng có lẽ, họ cần nhiều hành động hơn là những lời chia sẻ. Ai có vai trò “nhạc trưởng” dẫn dắt tổng thể dự án? Ai có trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra ách tắc, tai nạn do dự án sửa đường gây ra?
Ai có nhiệm vụ giám sát, nghiệm thu đảm bảo giao thông êm thuận sau khi sửa đường xong? Và những chế tài với các vi phạm (nếu có) sẽ được thực hiện nghiêm túc, công nh?
Người đi đường đã phải trả phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường qua trạm, họ xứng đáng được hưởng chất lượng giao thông một cách tốt nhất. Rất khó để họ thông cảm với các đơn vị thi công, lực lượng đảm bảo ATGT khi không biết phải sống chung với nguy cơ ùn tắc, mất an toàn tới bao giờ?