Sống phấp phỏng trong chung cư cũ nát, mong sớm có chủ đầu tư để rời đi

'Nếu chỉ bảo người dân đi di dời nhưng chưa có chủ đầu tư đến xây dựng, thì chúng tôi nhất quyết không di dời' - bà Chín sống trong khu tập thể Ngọc Khánh cho hay.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 335 về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1. Theo đó, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D. Cụ thể tại quận Ba Đình có Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.

Dưới đây là những khu tập thể nằm trong kế hoạch di dời để cải tạo, xây dựng lại tại Hà Nội, trong những khu nhà xuống cấp này, người dân sống phấp phỏng mỗi ngày.

Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D)

Tại khu nhà C8, khu tập thể Giảng Võ đang xuống cấp trầm trọng thuộc mức độ D, việc di dời ra khỏi những căn nhà đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án từ lâu.
Tại đây, các biển cảnh báo "nhà nguy cơ sập đổ" được UBND phường Giảng Võ gắn xung quanh khu tập thể.
Phía trong ngôi nhà cách lối hành lang lên xuống đã xuống cấp nghiêm trọng, phải lắp sắt chằng chống.
Một người dân sinh sống tại cho hay: "Lối lên xuống của tòa nhà này giờ phải chống sắt rồi, ở đây rất nguy hiểm, chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để được di dời đi nơi khác cho an toàn. Việc di dời ra nơi khác, chúng tôi nhất trí đồng ý theo chủ trương của nhà nước".
Những vết nứt khắp nơi, chạy dài khu vực hành lang, cầu thang nhà tập thể C8 Giảng Võ. Các thanh sắt cỡ lớn chằng chịt chống đỡ lối lên cầu thang của ngôi nhà.

Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa)

Những bức tường nứt toác, hệ thống cột dầm bị sụt lún nghiêm trọng, phần lan can bong tróc,... đó là tình trạng của khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng sau ảnh hưởng bởi vụ sập nhà số 49 từ năm 2011. Bất chấp khu tập thể xuống cấp, nguy hiểm, một số hộ dân vẫn cố bám trụ tại đây.

Hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, phần lan can cũng đã bị hỏng. Trong khu tập thể có tổng cộng 19 hộ dân, trong đó hơn 10 hộ đã được di dời, chỉ còn lại vài hộ vẫn bám trụ ở đây.
Căn nhà 51 hư hỏng nặng sau sự cố năm 2011.
Các hạng mục bên trong ngôi nhà đã xuống cấp.

Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D)

Tại công trình nhà A tập thể Ngọc Khánh gồm 2 đơn nguyên 5 tầng nằm trên đường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, hiện đã tách rời đơn nguyên 2.

Hiện tại, tòa nhà của khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Các mảng tường đều nứt vỡ, ngấm nước, bong tróc nặng. Khe nứt giữa các toà nhà lộ rõ.
Tòa nhà có 2 lối lên xuống, hiện tại 1 lối lên đã phải chằng chéo bằng sắt cỡ lớn để chống đỡ.
Các hành lang lên xuống đã nứt nẻ ra mảng lớn, gần tách rời ra ngoài.
Một người dân sinh sống tại khu tập thể Ngọc Khánh cho biết: "Hiện khu chung cư đã xuống cấp trầm trọng, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, không thể sử dụng sinh hoạt, tường thường xuyên bị ẩm mốc và xuất hiện các vết nứt".
Là một người dân sinh sống trong khu tập thể Ngọc Khánh, bà Chín cho biết: “Mong muốn của mọi người là phải có chủ đầu tư đến đây, thì chúng tôi sẽ đi. Bởi vì chúng tôi muốn biết rõ khi di dời đi nơi khác để sửa sang, xây mới nơi này thì sẽ hoàn thành trong bao lâu, chúng tôi đi di dời bao nhiêu năm thì sẽ được về lại nơi này, căn nhà chúng tôi đang ở thì khi xây mới sẽ nhỏ đi hay to ra, với những nơi chúng tôi xây ra thì sẽ được thỏa thuận đền bù ra sao…, thế nên chúng tôi muốn có chủ đầu tư đến đây, người dân sẽ di dời ngay lập tức.”
“Nếu chỉ bảo người dân đi di dời nhưng chưa có chủ đầu tư đến xây dựng, thì chúng tôi nhất quyết không di dời” - bà Chín cho hay.

Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D)

Nằm trong danh sách danh sách 42 nhà tập thể cũ xuống cấp gây nguy hiểm phải di dời khẩn cấp do UBND thành phố Hà Nội đã công bố vào năm 2016, tòa nhà G6A, tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) bị đánh giá là 1 trong 2 khu tập thể nguy hiểm nhất Hà Nội.

Sau 30 năm sử dụng, khu nhà nằm trong diện nguy hiểm cấp D (mức độ nguy hiểm cao nhất theo tiêu chuẩn xây dựng), là 1 trong 2 chung cư nguy hiểm nhất Thủ đô.
Nhiều vị trí là dầm của tòa nhà bị lở phần bê tông, lộ rõ cốt thép bị han rỉ và những lớp tường bong tróc, nham nhở lớp gạch.
Tình trạng cả tòa nhà xuống cấp đã khiến nhiều người sống tại đây luôn bất an, lo lắng cho tính mạng của bản thân và gia đình.
Tòa chung cư cũ này được xây dựng gồm 5 tầng, có 3 đơn nguyên. Trong đó, hai đơn nguyên 1 và 2 có mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 3 mức độ nguy hiểm cấp C.

Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D)

Khu tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cũng được thẩm định, đánh giá nguy hiểm cấp độ D. Hai đơn nguyên 1 - 3 đã bị nghiêng lún tách rời khỏi đơn nguyên 2 khoảng cách hơn 1m. UBND phường cũng đã treo biển cảnh báo tới người dân.

Tại tập thể Bộ Tư pháp (ngõ 35 Kim Mã Thượng, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), các đơn nguyên 1, 3 đã di dời các hộ dân, còn đơn nguyên 2 nằm ở giữa người dân vẫn sinh sống trong cảnh lo lắng.
Khu tập thể Bộ Tư pháp được xây dựng từ năm 1990 đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, hai đơn nguyên 1-3 đã bị nghiêng lún tách rời khỏi đơn nguyên 2 khoảng cách hơn 1m.
Ông Phạm Mùi (67 tuổi, tầng 5, đơn nguyên giữa khu khu tập thể Bộ Tư pháp) cho biết: “Hiện tại ở đây có 3 đơn nguyên thì 2 đơn nguyên đã di dời rồi, ở giữa được đánh giá là cấp độ B nhưng nếu 2 đơn nguyên 2 bên mà đổ thì tòa ở giữa cũng có thể sẽ đổ theo. Chúng tôi ở đây đều mong muốn được di dời sớm, nhưng mong muốn di dời đến nơi ở gần khu vực cũ này vì còn con cái, công việc đều gần đây.”
Hiện tại, ở trong đơn nguyên 2 ở giữa này có 20 căn hộ đều có người dân đang sinh sống ở đơn nguyên giữa này.

Được biết, thời gian sắp tới TP giao trách nhiệm cho UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa có trách nhiệm hoàn thành di dời các hộ dân ở nhà nguy hiểm cấp D trong quý 1/2022; đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời trong quý 3/2022; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại trình TP trong quý 4/2022; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư trong quý 1/2023.

Chủ đầu tư sau khi được chọn phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, lập phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng,... hoàn thành trong quý 2/2023.

Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ, theo kế hoạch, với nhà nguy hiểm cấp D, dự kiến thực hiện phá dỡ trong quý 3/2023; với các nhà còn lại tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (từ quý 3/2023).