Sau vụ bạo hành trẻ ở lớp Mầm Xanh: Công nhân biết phải gửi con chỗ nào?

VOVGT - Trước tình trạng các vụ bạo hành trẻ xảy ra với mức độ nghiêm trọng, nhiều công nhân mong được chính quyền hỗ trợ để có được một nơi gửi trẻ an toàn.

Điều kiện sống và giờ giấc làm việc khiến nhiều công nhân, lao động tại các đô thị lớn như Tp.HCM rất khó để gửi con tại các trường mầm non công lập.

Do vậy, nhiều người đành chấp nhận đưa con vào các trường mầm non, nhóm lớp độc lập tư thục hay nhóm trẻ tự phát gần nhà, dù biết sẽ có nhiều rủi ro.

Thế nhưng, trước tình trạng các vụ bạo hành trẻ xảy ra với mức độ nghiêm trọng như hiện nay, nhiều công nhân mong được chính quyền hỗ trợ để có được một nơi gửi trẻ an toàn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Không phải công nhân nào cũng đủ điều kiện để gửi con vào các trường mầm non công lập

Quê tận Thanh Hóa, mấy năm nay, chị Lê Thị Xinh theo chồng vào Tp.HCM làm công nhân tại Công ty Sungkyong ở Quận 12. Vì không có hộ khẩu và công việc đòi hỏi tăng ca liên tục, chị Xinh bấm bụng gửi con trai 3 tuổi vào Lớp mẫu giáo Mầm Xanh cho tiện đưa đón.

Để rồi khi tận mắt chứng kiến đoạn video clip có cảnh con mình bị bạo hành, chị bủn rủn tay chân, vừa xót con vừa giận mình:

 

“Các cô sao ác quá! Con mình thì còi cọc. Đến lớp các cô nói ngon nói ngọt lắm, không ngờ… Đến khi xem video clip, tôi hoảng người luôn. Xem xong thấy sợ lắm.”.

Mặc dù theo kết quả thăm khám bé không bị chấn thương nào nhưng chị Xinh cho biết sẽ xin thôi việc để ở nhà tự chăm con. Chị sợ gửi vào cơ sở khác, con trai lại bị bạo hành.

>>> Dư luận phẫn nộ trước vụ việc các bảo mẫu bạo hành trẻ em

>>> Có hay không việc bảo kê các nhóm trẻ tư thục tại TP.HCM?

>>> Tp.HCM: Tổng rà soát các trường mầm non tư thục trên địa bàn quận 12

Cũng là lao động nhập cư và phải đảm bảo những yêu cầu công việc khá khắt khe từ phía doanh nghiệp, chị Trần Thị Thu Thủy, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nobland Việt Nam chấp nhận gửi con tại cơ sở giữ trẻ tư thục.

Chỉ một thời gian ngắn, thấy con trai có dấu hiệu lạ như thường xuyên hoảng loạn, cáu gắt, hay khóc lúc ngủ, chị hỏi thăm mới biết ở trường con hay bị cô giáo đánh và dọa nạt.

Tuy nhiên, khi người mẹ này đến trường hỏi tình hình, chủ nhóm lớp thề thốt đủ điều để cam đoan về chất lượng nuôi dạy trẻ tại cơ sở của mình. Quyết tâm đổi chỗ học cho con nhưng đi tìm khắp nơi, cuối cùng chị vẫn phải chọn một cơ sở ngoài công lập khác.

Chị Trần Thị Thu Thủy cho biết bản thân chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn:

 

“Làm công nhân thì tôi phải tăng ca. Tại vì nếu mình không làm thì công ty không chịu nên phải tăng ca. Nhưng trường mầm non công lập người ta không giữ thêm ngoài giờ, làm sao mình gửi con vào được? Do đó tôi phải chọn trường tư thục.”.

Công nhân KCN Thăng Long đón con sau giờ tan ca. Ảnh: Dân trí

Tp.HCM hiện có khoảng 300.000 công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất- khu công nghiệp. Do đó, nhu cầu gửi trẻ của lực lượng công nhân là rất lớn.

Nhưng toàn thành phố, tỷ lệ trường mầm non công lập chiếm chưa tới 43%. Đó là lý do tại sao, đa phần công nhân phải gửi trẻ tại các điểm tư thục tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù năm học nào ngành giáo dục – đào tạo Tp.HCM cũng xây thêm trường lớp nhưng không thể đáp ứng đủ yêu cầu do áp lực dân số quá cao.

Vì vậy, theo bà Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân Tp.HCM, đã đến lúc các khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn cần chung tay cùng chính quyền trong việc xây dựng trường mầm non phục vụ cho con em công nhân.

 

“Không cần chính quyền quản lý mà chính các khu công nghiệp – khu chế xuất có thể đầu tư và quản lý luôn các nhà trẻ như vậy. Đây là điều rất tốt vì doanh nghiệp sẽ hiểu được giờ giấc làm việc của công nhân. Các anh chị công nhân sẽ an tâm hơn khi con cái đi học gần chỗ làm việc của mình.”.

Thêm trường lớp thôi chưa đủ, công tác thanh kiểm tra cũng cần được thực hiện sát sao hơn thì mới mong chấn chỉnh được thực trạng đáng buồn này. Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Quận 9 cho rằng, từ thành phố đến chính quyền địa phương và cả người dân cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống bạo hành trẻ.

Khi cơ chế giám sát được thực hiện tốt cộng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, việc phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi sai trái này sẽ hiệu quả hơn.

Ông Trần Văn Bảy nói:

 

“Về phía địa phương, ngoài trách nhiệm của các quận, huyện, tôi nghĩ rằng thông qua vụ việc lần này, Sở Giáo dục – Đào tạo Tp.HCM cần đánh giá thêm tình hình và đưa ra gói giải pháp tương đối đầy đủ để tham mưu cho UBND Thành phố. UBND Thành phố cũng có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong Luật chính quyền địa phương cũng cho phép chính quyền địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong những trường hợp đặc thù.”.

Đưa trẻ đến trường, cha mẹ nào cũng mong con mình học được điều hay, lẽ phải, được các cô chăm sóc, yêu thương. Với công nhân hay những người lao động nhập cư, mong muốn ấy còn nhỏ bé hơn bởi nó chỉ gói gọn trong vài chữ: Làm sao để trẻ được an toàn?