Lại một người đi bộ nữa tử nạn trên đoạn đường chỉ dài chừng 100m từ nút quay đầu Ngõ Hòa Bình 7- Ngõ Gốc Đề đến nơi tự phát băng cắt qua đường ở ngõ Chùa Hưng Ký.
Các cụ già, người cao tuổi khi thấy phóng viên đến phản ánh, họ ùa cả ra chỉ trích người đi xe máy không chú ý quan sát, giảm tốc độ, dẫn đến tai nạn.
Một số cố gắng nhớ lại trong trí óc già nua của mình số lần chứng kiến tai nạn bộ hành ở đây, cả ban ngày lẫn ban đêm. Dường như đã quá số ngón tay trên 2 bàn tay.
Một số thì lặng lẽ mang bát hương ra thắp, lấy tấm chiếu phủ lên nạn nhân xấu số - một ông lão đánh giày trú bên này đường, có con học ở bên kia đường.
Ngăn cách giữa lối đi của ông là đại lộ hiện đại nhất Thủ đô. Ở giữa đại lộ, hàng ngày ông vẫn băng qua dải phân cách, nơi được chính quyền địa phương bố trí tấm biển cảnh báo dã chiến: “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông với bộ hành”.
Tấm biển ấy và vụ tai nạn với ông lão gợi những trăn trở, bức xúc.
VOV Giao thông đã đề cập không dưới 5 lần về sự mất an toàn giao thông khi tuyến đường vành đai 2 với 10 làn xe chạy xuyên qua một khu dân cư đông đúc bậc nhất thành phố.
Tuyến đường được đưa vào vận hành với rất nhiều vạch chỉ đường, vạch phân làn, nhưng chúng dường như chỉ phục vụ các phương tiện cơ giới, mà chưa tính đến tập quán, thói quen và nhu cầu đi lại của cư dân trước khi mở đường.
Không chỉ “điểm đen” này, đoạn đường Minh Khai dài 1,5km từ cầu Mai Động đến chợ Mơ thiếu vắng các biện pháp sang đường an toàn cho người đi bộ.
Câu chuyện các cụ ông, cụ bà đi chợ dân sinh, đi bắt xe buýt cần sang đường, họ phải tập phản xạ, sự tinh mắt, kỹ năng “né” xe, giơ tay, giơ quạt, nón gây sự chú ý, hoặc chờ có người dắt đi… đã quá đỗi quen thuộc.
Nó phần nào cho thấy một vấn đề nổi cộm. Đó là sự kém ưu tiên cho giao thông phi cơ giới. Người đi bộ, đi xe đạp dường như bị bỏ quên, phải mò mẫm, thấp thỏm di chuyển những con đường, tuyến phố mới, hiện đại, nhiều làn xe với tốc độ lưu thông cao của Thủ đô.
Có lần, đề cập tấm biển cảnh báo dã chiến cùng những lần tuyên truyền qua loa phóng thanh của xe công an, một vị phó chủ tịch phường sở tại cho biết, đó là biện pháp mang tính tình thế.
Họ đã nhận diện được “điểm đen”, đề ra một loạt giải pháp căn cơ, từ bố trí hàng rào cứng ở dải phân cách giữa, ngăn người đi bộ sang đường trái quy định; Di dời nút rẽ quay đầu ở “điểm nóng” Ngõ Hòa Bình 7 – Ngõ Gốc Đề, dẹp bỏ những xung đột luồng giao thông “cài răng lược”; đến việc mở thêm các lối hợp lý cho người đi bộ sang đường.
Một cán bộ ngành giao thông cho biết, họ đã chuẩn bị sẵn các phương án cải tạo triệt để “điểm đen” này. Thế nhưng, tuyến đường chưa được kiểm đếm, chủ đầu tư Tập đoàn Vin Group chưa bàn giao cho địa phương, các đơn vị chuyên ngành của thành phố để quản lý, duy tu.
Và vì vậy, về lý thuyết, hạ tầng đảm bảo sự an toàn, tính mạng của người đi đường lại chưa thuộc thẩm quyền can thiệp của cơ quan chức năng.
Đó là lý do, các cuộc họp cử tri, người dân kiến nghị rất nhiều. Chính quyền phường, ban an toàn giao thông quận, công ty hạ tầng giao thông cũng kiến nghị rất nhiều. Nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.
Trước đây, trong một bài viết về “điểm đen” này của VOV Giao thông, một cán bộ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã chia sẻ đường link lên mạng xã hội và kêu gọi hành động từ nhà chức trách.
Đến nay đã gần 2 năm trôi qua. Mọi chuyện vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Tai nạn với bộ hành vẫn xảy ra.
“Tử thần” vẫn rình rập trên tuyến đường hiện đại nhất Thủ đô.
Bất cập của nó vẫn là câu chuyện “cha chung không ai khóc”.
Có lẽ, từ ngày mai, vụ tai nạn với ông lão đánh giày sẽ lại chìm khuất vào dòng tin tức cuồn cuộn của đời sống, giống như những bài viết VOV Giao thông đã cảnh báo nhiều năm qua.
Thiết nghĩ, cần phải có một cơ quan đứng ra gỡ “thế bế tắc”, chịu trách nhiệm về những cái chết có thể dự báo!
Vấn đề này, xin được gửi tới Ban an toàn giao thông thành phố Hà Nội, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về công tác tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo việc phối hợp liên ngành thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Thủ đô.