Trong đó, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm tới 1,43 triệu ha, chiếm tới hơn 84% diện tích đất rừng phòng hộ suy giảm. Giữ vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh môi trường quốc gia, nhưng rừng phòng hộ Việt Nam đang ngày càng suy giảm cả về diện tích và chất lượng.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hiện Việt Nam có hơn 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng phòng hộ chỉ chiếm hơn 4,65 triệu ha. Từ năm 2002 đến 2019, tổng diện tích rừng Việt Nam tuy tăng thuần trên 2,7 triệu ha, nhưng diện tích rừng phòng hộ giảm trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên tại 59 Ban quản lý rừng phòng hộ cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 1990 đến 2016, các Ban quản lý đã điều chỉnh diện tích rừng phòng hộ 186 lần, trong đó 117 lần điều chỉnh theo hướng giảm, phần lớn diện tích rừng bị chuyển đổi sang rừng sản xuất hoặc thực hiện các dự án thuỷ điện, khoáng sản, bổ sung quỹ đất sản xuất tại địa phương....
Ông Nguyễn Tất Hoà, Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, Nghệ An cho biết khó khăn: Trong công tác quản lý và bảo vệ rừng có sự lẫn lộn giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất, người dân chưa phân biệt được ranh giới. Khó khăn thứ hai là về lực lượng. Thứ ba là áp lực về nhu cầu sử dụng gỗ tại địa phương. Thứ tư là cơ chế chính sách. Lực lượng bảo vệ rừng thì mỏng mà cơ chế chính sách dành cho lực lượng này quá thấp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý rừng phòng hộ cũng tồn tai nhiều bất cập khiến rừng phòng hộ đang bị phân mảnh và mất đi tính toàn vẹn. Ở địa phương, các ban quản lý rừng đang thuộc quản lý nhiều cấp, và hầu hết các ban quản lý này đều trong tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, chưa kể đến các hoạt động nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn và phục hồi rừng.
Hiện Nhà nước đang có chủ trương thúc đẩy tự chủ tài chính và khuyến khích các ban quản lý triển khai các cơ chế liên doanh, liên kết và huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Ông Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn quản lý tài nguyên cho rằng, trên thực tế việc triển khai chủ trương này vẫn còn nhiều vướng mắc: Khi mình phỏng vấn Ban quản lý ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ thì mình thấy mỗi tỉnh vận dụng một kiểu. Và do vậy các Ban cũng chưa thực sự tận dụng được lợi thế. Thứ hai nữa là họ thiếu động lực. Động lực đó có thể là nguồn kinh phí hỗ trợ để xây dựng các phương án, một số ban thì chưa rẽo ràng về quyền sử dụng đất.
Để rừng phòng hộ phát huy tác dụng là tấm lá chắn bảo vệ môi trường, cần những bước cải tiến mạnh mẽ về chính sách và phương thức đầu tư, đảm bảo đầu tư đúng với vai trò và giá trị mà rừng phòng hộ mang lại.
Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần xác định lại giá trị của rừng phòng hộ, hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên là rừng phòng hộ sang mục đích khác, tiến hành rà soát quy hoạch rừng phòng hộ và thống nhất cơ cấu tổ chức các Ban quản lý rừng phòng hộ trên cả nước.