Rác dọc QL 1: Càng cấm thì càng xả

Nếu như rác tại các khu đô thị, nội thành được thu gom khá tốt thì hiện nay có rất nhiều bãi rác tự phát ven tuyến QL1 kéo dài từ quận 12 đến quận Bình Tân gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan công cộng.

Rác trải dài truyên tuyến QL 1 đoạn qua cổng khu công nghiệp Pou Yuen, Quận Bình Tân

Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, trên tuyến QL 1A, trải dài khoảng 2km đoạn qua cổng khu công nghiệp Pou Yuen, Quận Bình Tân. Cả hai bên đường xuất hiện các bãi rác lớn nhỏ nằm lộ thiên, chủ yếu rác là những phế phẩm nông sản, bao bì, bịch ni-long.

Những biển báo cấm đổ rác được chính quyền địa phương cắm dọc theo tuyến đường, tuy nhiên, dường như “càng cấm lại càng xả”

Bao ni long, vải vụn, chai nhựa, hộp xốp nằm rải rác theo tuyến phố
Biển cấm đổ rác được cắm dọc theo tuyến Quốc lộ, tuy nhiên dường như không có tác dụng

Chị Phạm Lệ Hoa, sinh sống tại khu vực này cho biết, phần lớn rác thải nơi đây đến từ những người bán hàng rong:

“Nơi này ngay cổng công ty Puo Yuen, chiều khoảng 4 - 5 giờ công nhân tan ca rồi vứt rác thải, những người phát tờ rơi rất nhiều, rồi những người bán hàng ron xả rác rất nhiều”.

Không chỉ rác mà nước thải từ những người bán hàng rong cũng tràn ra mặt đường
Dù có biển báo cấm tụ tập mua bán tuy nhiên những biến báo này chẳng khác gì biển báo “Cấm đổ rác”. Dường như nhiều người càng cấm thì họ càng thích làm...

Đi thẳng tiếp QL 1, đoạn đường ngang qua đoạn qua P. Tân Thới Nhất, Q.12, Tp.HCM, cũng gặp tình trạng tương tự khi nhiều người dân vẫn ngang nhiên xả rác bừa bãi. Những tấm bảng “Không vứt rác bừa bãi là góp phần bảo vệ môi trường” phía dưới cũng có dòng chữ ghi mức phạt tiền cho hành vi xả rác không đúng nơi quy định 5-7 triệu đồng/hành vi.

Tuy nhiên, xung quanh những tấm bảng này cũng lại đầy rác. Xem ra những tấm bảng trên không đủ tác dụng răn đe trước sự vô ý thức của nhiều người.

Sau khi mua bán, phần rác thải (ruột, đầu, vây cá) sẽ bị vứt ngay phía trong lề đường…

Ông Nguyễn Hữu Hoàng cùng nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực đã tự bỏ tiền túi để nhờ những công nhân đến thu dọn vệ sinh, nhưng chỉ được vài hôm thì “đâu cũng lại vào đấy”

“Ở đây người dân chúng tôi phải hùn tiền, nhờ mấy anh xe rác đến bốc hốt đi, chứ để nó hôi quá, chịu không nổi luôn, rồi không biết rác ở đâu mà khuya chạy lại đổ”.

Những tấm bảng “Cấm đổ rác” phía dưới cũng có dòng chữ ghi mức phạt tiền cho hành vi xả rác không đúng nơi quy định 5-7 triệu đồng/hành vi. Tuy nhiên, xung quanh những tấm bảng này cũng lại đầy rác

Trước thực trạng này, ông Lưu Minh Đạt, Chủ tịch UBND Phường Tân Thới Nhất, Quận 12 cho rằng do rác bị vứt bừa bãi ở QL 1 nên cần phối hợp nhiều đơn vị để xử lý dứt điểm tình trạng này:

“Do nằm ở lề đường của QL 1 nên cần nhiều đơn vị phối hợp, trong đó cũng đã phối hợp với công an đội An Sương, Công an quận và công an của các phường bạn cũng đã chốt chặn và xử lý theo quy định pháp luật”.

Không phủ nhận những nổ lực của chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền, xử lý. Thế nhưng đến nay các điểm tập kết rác ven tuyến QL 1 vẫn còn tồn tại.

Thiết nghĩ, nếu cơ quan chính quyền chỉ dừng lại ở việc trả lời “cho xong” với báo chí, tryên truyền “cho có” với người dân mà không có những biện pháp cụ thể, cứng rắn hơn, thì rác ven tuyến QL 1 vẫn mãi là câu chuyện dài kỳ chưa hồi kết.