Quyền riêng tư bệnh nhân

Quyền riêng tư của bệnh nhân đã được luật pháp bảo vệ và cụ thể hóa trong Luật khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, không nhiều người có ý thức về quyền này, không chỉ bệnh nhân, mà nhân viên y tế và cả giới truyền thông cũng hồn nhiên vi phạm.

 Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tôi rất ngạc nhiên khi vài ngày trước, trong bản tin của nhiều cơ quan báo chí, trong đó có cả truyền hình và nhiều tờ báo có nội dung về các ca bệnh nguy cơ hoại tử xương sau khi nhiễm COVID-19.

Cụ thể, thông tin được bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp về trường hợp một số bệnh nhân có triệu chứng như: đau đầu, đau hàm, đau răng và sau đó nhận thấy có tình trạng hoại tử xương.

Điều tôi ngạc nhiên ở đây đó là trong các bản tin trên truyền hình và báo chí, kể cả báo mạng, báo in, đã xuất hiện cả hình ảnh của 3 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ rẫy.

Ở đó, có người ngồi trên xe lăn, có người ngồi trên ghế rồi họ được đưa ra trước các nhà báo. Thậm chí, họ được yêu cầu bỏ khẩu trang và chia sẻ với các nhà báo.

Ảnh nh họa

Tôi còn ngạc nhiên vì điều này tôi nghĩ không phù hợp với Luật khám bênh, chữa bệnh. Cụ thể, Luật khám chữa bệnh quy định tương đối rõ ràng, đầy đủ về bảo vệ quyền riêng tư cho bệnh nhân và đảm bảo quyền riêng tư trong khám bệnh, chữa bệnh.

Các bệnh nhân sẽ được bảo đảm quyền riêng tư cả về thông tin cá nhân, lẫn thông tin về bệnh án.  Chỉ có một số ít trường hợp rất cụ thể, cơ quan y tế mới được phép cung cấp bệnh án, thông tin bệnh nhân.

Trong trường hợp của 3 bệnh nhân ở bệnh viện Chợ Rẫy, họ xuất hiện trong buổi họp thông tin về chính trường hợp của họ, thì tôi nghĩ không mang lại lợi ích nào về mặt cảnh báo.

Nếu như các cơ quan chức năng muốn cảnh báo xã hội rằng, có những triệu chứng thế này hay triệu chứng thế kia rất nguy hiểm, thì hãy liên hệ với cơ quan y tế.

Những trường hợp như vậy không cần thiết phải sử dụng đến hình ảnh của các bệnh nhân đó. Nếu muốn nhấn mạnh tính nghiêm trọng của các ca bệnh, thì hình ảnh của từng phần của khuôn mặt, của hộp sọ các bệnh nhân đã là quá đủ để mọi người có thể hình dung được.

Đương nhiên, không ai muốn xuất hiện trước công chúng trong tình trạng xấu về cả sức khỏe lẫn hình ảnh bản thân như vậy. Mọi người có thể biện nh bằng việc các bệnh nhân đã đồng ý xuất hiện trước công chúng, nhưng thực tế trong trường hợp này việc họ xuất hiện là không cần thiết.

Nếu tôi là bác sỹ hoặc người khám chữa bệnh, tôi sẽ nói với họ rằng, việc đó cũng không cần thiết. Chưa nói đến, họ đang ở trong bệnh viện và đang điều trị, thì sẽ rất khó khăn để họ có thể nói “không” nếu như cơ quan y tế mong muốn họ xuất hiện.

Trong những trường hợp tương tự như vậy, tôi mong cơ quan y tế có đủ sự cân nhắc để tôn trọng quyền cá nhân, tôn trọng quyền riêng tư của các bệnh nhân và không buộc họ, không đề nghị họ, không cho phép họ xuất hiện trước công chúng và bảo vệ các quyền riêng tư, cũng như hình ảnh riêng tư của họ một cách tốt nhất.

Có thể những hình ảnh như vậy khi được lan truyền, đương nhiên sẽ mang lại những xót xa cho chính các bệnh nhân sau này khi nhìn lại, cho chính gia đình họ khi nhìn lại. Và đó là những hậu quả không ai mong muốn.

Tôi nghĩ và tôi mong rằng, chúng ta sẽ thật sự tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân.

Đối với các cơ quan báo chí, lẽ ra cũng không nên đưa hình ảnh của các bệnh nhân đó, nếu như việc đó không thật sự cần thiết.

Những thứ cần thiết hơn đó là các triệu chứng mà chúng ta cần lưu ý, những lời khuyến mà chúng ta cần phải tham vấn bác sĩ, chứ không phải là mức độ ghê rợn của căn bệnh./.