Quốc lộ 1, 13, 22…sẽ được đầu tư theo hình thức BOT

Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM tại Toạ đàm “Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15” do báo SGGP và Sở Thông tin truyền thông TP.HCM thực hiện ngày 31/08 vừa qua.

Quốc lộ 1 đoạn từ tỉnh Long An đến An Lạc hi vọng sẽ cải thiện được tình trạng ùn tắc sau khi được đầu tư mở rộng bằng hình thức BOT

Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự Toạ đàm “Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15” diễn ra ngày 31/8, Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực được “cởi trói” nhiều nhất khi NQ98 chính thức được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2023 vừa qua. 

Đáng chú ý, NQ98 cho phép đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT, đây chính là cơ sở quan trọng để Sở GTVT trình UBND Thành phố triển khai 1 số dự án trọng điểm, mang tính cấp bách để giải quyết tình trạng ùn tắc diễn ra thời gian qua.

Ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết đơn vị đã lựa chọn 5 dự án để thực hiện đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu và trình UBND Tp. Cụ thể các dự án này là:

+ Mở rộng Quốc lộ 13 - đoạn từ ngã 4 Bình Phước đến cầu Bình Triệu dài 4,6km. Tuyến đường này dự kiến sẽ được mở rộng lên 53-60m, với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 50% và doanh nghiệp 50%.

+  Mở rộng Quốc lộ 1 - đoạn từ giáp ranh tỉnh Long An đến An Lạc dài 9,6km từ 4 lên 8 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng; dự kiến phần ngân sách Nhà nước 50% và doanh nghiệp 50%

+ Mở rộng quốc lộ 22 - đoạn từ An Sương đến Vành Đai 3 dài 9,1km lên gần 40m với kinh phí khoảng 3.609 tỷ đồng. Phần ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ 67% để giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp tham gia 33% để xây lắp.

+ Trục đường Bắc – Nam - đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm dài 7,5km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500. Tỷ lệ phân bổ vốn giữa ngân sách nhà nước và doanh nghiệp là 70% và 30%

 + Dự án cầu đường Bình Tiên - đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh dài 3,2km, rộng 30-40m, tổng vốn hơn 6.200 tỷ đồng. Phần ngân sách nhà nước tham gia 54% để giải phóng mặt bằng và doanh nghiệp tham gia 46% để xây lắp.

Ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM chia sẻ tại Toạ đàm “Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15”

Chia sẻ về các tiêu chí lựa chọn 5 dự án này để thực hiện đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu, ông Bùi Hoà An cho biết: Đầu tiên là, tính chất và vai trò quan trọng của tuyến đường; Hai là, giải quyết tình trạng giải quyết giao thông; Ba là, đánh giá sơ bộ tính khả thi về phương án tài chính dự án; Bốn là, khả năng huy động vốn từ nhà đầu tư tham gia BOT; Năm là, cân đối nguồn vốn ngân sách của thành phố. Trong thời gian thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, Sở GTVT sẽ phối hợp với các Sở ngành tiếp tục đánh giá tình hình giao thông và khả năng cân đối vốn ngân sách.

“Nói chung, những dự án này phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch; phù hợp định hướng phát triển giao thông; giải quyết điểm nghẽn kết nối các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng; có khả năng huy động vốn đầu tư từ khối tư nhân” – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh.

Bên cạnh 5 dự án này, trong thời gian thực hiện cơ chế chính sách thí điểm đặc thù từ NQ98, Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết sẽ tiếp tục tiếp nhận các đề xuất triển khai dự án từ các nhà đầu tư, qua đó lập cáo báo định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để trình HDND Tp thông qua, lập danh mục đầu tư để làm cơ sở triển khai.