Cùng với đó những nguy cơ mất an toàn cây xanh khi mùa mưa bão đang đến gần càng đòi hỏi cao hơn trong công tác chăm sóc cây xanh đô thị. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng).
PV: Thưa ông, TP.HCM đang vào mùa mưa. Trung Tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đang thực hiện những công việc gì để đảm bảo an toàn cây xanh, giảm thiểu rủi ro cây ngã, đổ, ảnh hưởng đến giao thông, đời sống, tài sản và sức khoẻ người dân; đồng thời bảo tồn các cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm?
Ông Lưu Văn Tấn: Thực tế cây cũng như con người, nó đều có tuổi thọ, tuổi đời. Hầu hết các cây loại 3, có tuổi đời 80-100 năm, thì xét về khoa học những cây này thuộc về già cỗi, trên rừng thiên nhiên có thể ngã đổ gãy nhánh nhưng ở đô thị là khác.
Vì hàng ngày hàng chục, hàng trăm người dân đi qua dưới tán cây, chuyện gió xoáy mưa bão, gãy cành nhánh ảnh hưởng tai nạn giao thông, những chuyện đó không thể đoán trước mà chỉ phòng ngừa.
Và vấn đề an toàn cho con người là đặt lên hàng đầu, chúng tôi cố hết sức để đảm bảo cái cây trong mức an toàn.
PV: Những công nghệ, kỹ thuật nào được áp dụng vào việc chăm sóc cây cũng như góp phần chẩn đoán, phát hiện cây nguy hiểm để có phương án chủ động, thưa ông?
Ông Lưu Văn Tấn: Trên lý thuyết chúng ta có những thiết bị siêu âm để định hình định dạng các cây bên trong rỗng ruột hay không. Thực tế, một số đơn vị nhập một số thiết bị để kiểm tra, kiểm soát nhưng hiệu quả không cao.
Cây ngã đổ chủ yếu do hệ rễ. Cây 30 -40m hệ rễ hiện nay nó phát triển ở trên bê tông xi măng đầy rồi, quanh gốc chỉ có bồn nhỏ tưới nước tưới phân ngay đó rễ phát triển nuôi sống cây.
Nhưng ngay cái rễ cọc vươn xa bị bê tông hóa chúng ta không kiểm tra cái rễ sâu ở dưới. Tạm thời công nghệ vẫn chưa kiểm soát được cái rễ cọc dưới đất còn hay không còn. Ở chừng mực nào đó quan sát bằng kinh nghiệm, quan sát về gốc, về thân, cành lá, quan sát theo từng chu kỳ để người ta phỏng đoán về sự chống chịu của cây.
PV: Trong bối cảnh hiện nay việc trồng mới các loại cây được người dân quan tâm. Cây xanh trồng trong đô thị cần cân nhắc những yếu tố gì, thưa ông?
Ông Lưu Văn Tấn: Trong chương trình phát triển công viên cây xanh thành phố chúng tôi có đưa hạng mục “Dẫn nhập cây xanh” đô thị. Mình tìm những loại cây trồng thử nghiệm, kiểm soát sự phát triển của nó phù hợp với môi trường đô thị. Môi trường đô thị phức tạp không như trên rừng, nó phải đảm bảo về bóng mát, hệ rễ không phá hủy hạ tầng, xâm nhập vào nhà dân.
Rồi cây ít sâu bệnh, ngã đổ cành nhánh, thậm chí lựa những cây ít rụng lá ít ảnh hưởng người dân, rụng nhiều lá xuống đường mất vệ sinh, dồn vào cống gây nghẹt cống. Có nhiều vấn đề tiêu chí để đánh giá đưa một loại cây trồng ở đô thị, việc này rất là phức tạp và cực kỳ kén chọn.
Trong 2 năm nay chúng tôi cũng dẫn nhập hơn 10 loại, và cũng đưa ra những tiêu chí, những đường vỉa hè 3m, 5m hoặc lớn hơn 10m trồng từng loại cây nào phù hợp.
Và khi trồng những loại cây phải có sự phân tích về tuổi đời, khả năng phân tầng phân tán, khả năng chống chịu....
Để trồng một cây đô thị và trên từng tuyến đường phải đồng bộ chứ không thể trồng lắt nhắt đủ loại một lúc được.
Hiện nay cây xanh không được đưa vào quy hoạch nhưng chúng tôi định hướng như vậy. Tôi hy vọng tương lai gần cây xanh thành phố được quản lý một cách an toàn, đảm bảo cuộc sống trong lành cho người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!