Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Đổi mới công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho học sinh

Mục đích chính của việc trang bị kỹ năng phòng chống hỏa hoạn trong chương trình giáo dục mầm non là giúp trẻ nhận biết những mối nguy hiểm tiềm tàng xung quanh, nhận biết các nguyên nhân gây ra hỏa hoạn và cách phòng tránh.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm tuyên truyền PCCC&CNCH tại các cơ sở giáo dục

 

Nhận thấy tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với các cơ sở giáo dục, Công an quận Hoàn Kiếm đã chú trọng xây dựng nội dung, đổi mới về hình thức tuyên truyền, để có thể tác động trực tiếp đến từng giáo viên và học sinh tại các nhà trường.

Dù mới chỉ 5-6 tuổi, nhưng khi cô giáo chủ nhiệm hỏi số về số điện thoại báo cháy, các em nhỏ của lớp mẫu giáo lớn trường Mầm non chất lượng cao 20/10 đều có thể rõng rạc trả lời đó là “số 114”.

Không chỉ được ghi nhớ số điện thoại báo cháy, mà trong chương trình giáo dục mầm non của trường Mầm non chất lượng cao 20/10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), luôn có các tiết học để hướng dẫn trẻ các kỹ năng phòng chống hỏa hoạn, bảo vệ bản thân an toàn.

Các em nhỏ tại trường Mầm non chất lượng cao 20-10 chăm chú lắng nghe tuyền truyền các kỹ năng nhận biết đám cháy

Theo cô giáo Vũ Thị Kim Thanh – Hiệu trưởng trường Mầm non chất lượng cao 20/10, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm nhất khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Do đó, thực hiện Thông tư 06/2022 của Bộ GD&ĐT, nhà trường luôn nhận thức việc trang bị cho trẻ các kỹ năng cần thiết liên quan tới vấn đề phòng chống cháy nổ.

“Mục đích chính của việc trang bị kỹ năng phòng chống hỏa hoạn trong chương trình giáo dục mầm non là giúp trẻ nhận biết những mối nguy hiểm tiềm tàng xung quanh, nhận biết các nguyên nhân gây ra hỏa hoạn và cách phòng tránh. Đồng thời, các em cần được dạy rằng khi đám cháy xảy ra cần phải thật bình tĩnh để xử lý tình huống, và nhanh chóng tìm sự giúp đỡ của người lớn”, cô giáo Vũ Thị Kim Thanh cho biết thêm.

Đối với lứa tuổi mầm non, việc hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng thoát nạn trong đám cháy là rất quan trọng

Bên cạnh đó, với diện tích lên tới hơn 4.500m2 cùng gần 400 học sinh và cán bộ nhân viên, Trường mầm non chất lượng cao 20/10 là công trình đã được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC trước khi đi vào hoạt động.

Nhà trường đã được trang bị và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy giúp cho lực lượng chữa cháy cơ sở có khả năng xử lý tốt các đám cháy ngay khi mới xảy ra.

Trường mầm non chất lượng cao 20-10 được trang bị và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy

Còn tại trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), qua buổi tuyên truyền do Đội Cảnh sát PCCC&CNCH công an quận Hoàn Kiếm tổ chức, các em học sinh trong trường đã được hướng dẫn, phổ biến về vai trò, vị trí, tính chất và tầm quan trọng của công tác PCCC; kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy nổ; biện pháp PCCC tại gia đình và nhà trường; cách sử dụng các phương tiện thiết bị PCCC cơ bản.

Bày tỏ sự hào hứng, phấn khởi khi tham gia buổi tuyên truyền này, em Nguyễn Chí Huy – Học sinh lớp 7H trường THCS Trưng Vương cho biết: “Sau buổi học ngoại khóa hôm nay, em sẽ không nghịch ngợm các vật dụng dễ cháy nổ trong lớp học hoặc ở nhà; đồng thời, em đã hiểu hơn về kỹ năng thoát nạn khi có sự có cháy nổ xãy ra, thao tác sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy mới phát sinh”.

Các em nhỏ tại trường THCS Trưng Vương được hướng dẫn nhận biết và sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ

Còn theo cô giáo Dương Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương, từ nhiều năm nay, qua sự phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, nhà trường thường xuyên tổ chức các tiết học phổ biến nhiều nội dung về kiến thức pháp luật PCCC&CNCH; các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, giải pháp đảm bảo tối đa sự an toàn cho học sinh trong tình huống có sự cố cháy xảy ra.

Thực tế, thời gian qua, công tác tuyên truyền PCCC&CNCH tại các trường học đã được Công an quận Hoàn Kiếm và đặc biệt là Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận luôn quan tâm thực hiện. Bởi các trường học là nơi thường xuyên tập trung đông người, việc tổ chức công tác PCCC, đảm bảo an toàn PCCC cho người và tài sản tránh mọi khả năng xảy ra cháy là một vấn đề rất cần thiết.

Theo Trung tá Phạm Thị Hải Bình – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm, mặc dù việc xảy ra cháy, nổ trong các cơ sở giáo dục thường ít hơn so với tỉ lệ cháy nổ tại các hộ dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, song việc tổ chức công tác tuyên truyền PCCC tại đây có vị trí vô cùng quan trọng, vừa góp phần đảm bảo an toàn PCCC trong nhà trường, đồng thời giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng sống cho các em nhỏ.

“Đối với các em nhỏ, việc tuyên truyền PCCC&CNCH không đơn giản như với người lớn. Để các em ghi nhớ, chúng tôi thường xuyên đổi mới các hình thức tuyên truyền, như tổ chức dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa với nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, hoặc chơi những trò chơi có phần thưởng lồng ghép các kiến thức PCCC&CNCH.

Qua mỗi buổi tuyên truyền như vậy, đã nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật, kiến thức cũng như kỹ năng về PCCC và CNCH cho cán bộ, giáo viên, học sinh góp phần đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại trường học, gia đình. Từ đó phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mỗi công dân trong công tác PCCC và CNCH nhằm giảm thiểu tai nạn do cháy, nổ gây ra”, Trung tá Phạm Thị Hải Bình nhấn mạnh.

Thời gian tới, công an quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp đổi mới công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho các em học sinh

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức PCCC&CNCH cho các em học sinh trên địa bàn, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, Công an quận đã xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tuyên truyền về PCCC&CNCH cho các em tại trường học.

Đồng thời, tổ chức nhiều lớp trải nghiệm làm lính cứu hỏa, vừa tạo sân chơi bổ ích, vừa giúp các em nắm vững kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ./.