Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có buông lỏng quản lý vỉa hè?

Vào buổi sáng và tối trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, xe máy để bừa bãi vẫn xảy ra trên địa bàn một số phường.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội về Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 hiện nay đang trong Giai đoạn 3 của kế hoạch (kiểm tra, duy trì từ 1/4 đến 1/11).

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, trong thời gian gần đây vào buổi sáng và tối trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, xe máy để bừa bãi vẫn xảy ra trên địa bàn một số phường như: Trần Hưng Đạo, Hàng Đào, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ,...

Điển hình như tại phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, quán Lòng ngon phố cổ số 35 phố Quang Trung cách UBND phường Trần Hưng Đạo không xa tuy nhiên vào khung giờ cao điểm khách của quán vào buổi trưa xe máy được xếp kín vỉa hè.
Quán này lấn chiếm vỉa hè, kê bàn cho khách ngồi ăn.
Vì tận dụng vỉa hè kê bàn cho khách ngồi ăn uống, nên xe máy được quán Lòng ngon phố cổ số 35 phố Quang Trung đẩy sát ra mép vỉa hè.
Ở vỉa hè ngã tư Quang Trung - Lý Thường Kiệt, ô tô, xe máy để trên vỉa hè, một số ô tô đè cả vào lối dành riêng cho người khuyết tật. Trước đó vào hồi tháng 3 năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Văn phòng UBND thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố - người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND thành phố hàng tháng.
Khu vực Tượng đài Cảm Tử, bên phía đầu phố Hàng Dầu, phường Lý Thái Tổ, mặc dù trên vỉa hè có kẻ vạch thể hiện khu vực để xe máy, tuy nhiên một số xe vẫn được xếp ra ngoài vạch, lấn vào phần đường của người đi bộ.
Cũng ở khu vực đầu phố Hàng Dầu, các hàng bán quần áo, balo, giày dép,... chiếm dụng vỉa hè để bày hàng hóa, người đi bộ, khách du lịch đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
Phần làn dành cho người khuyết tật trên vỉa hè đã bị một số hộ kinh doanh trên phố Hàng Dầu chiếm dụng kê hàng hóa.
Ở đầu phố Hồ Hoàn Kiếm, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, các cửa hàng ăn ở đây cũng chiếm dụng phần vỉa hè để bày ô, kê bàn cho khách ngồi ăn.
Một hàng bàn, ghế kèm theo ô che nắng là phần vỉa hè bị chiếm dụng hoàn toàn.
Dọc con phố Hàng Ngang, Hàng Đào thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng không khó bắt gặp việc bày hàng hóa ra vỉa hè, xe máy để dười lòng đường, các hộ kinh doanh căng bạt che nắng lấn vỉa hè.
Xe máy đôi khi được để thành 2 hàng, một nửa xe trên vỉa hè, một nửa xe dưới lòng đường.
Vỉa hè thành nơi để hàng hóa và xe máy.
Người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường.
Mặc dù UBND phường Đồng Xuân đã đặt biển cấm, tuy nhiên sau tấm biển vẫn xảy ra việc để xe máy trên hè phố, lấn vỉa hè để kinh doanh,...
Vỉa hè thành nơi kinh doanh của các hộ buôn bán.
Vỉa hè cho người đi bộ ở đâu?
Khách du lịch len lỏi qua hàng xe máy trên phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Vào buổi tối, tình hình vi phạm trật tự đô thị còn diễn ra nhức nhối hơn. Trong ảnh là một góc vỉa hè nằm ở ngã tư Quang Trung - Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Không chỉ chiếm hết vỉa hè của người đi bộ, việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh hàng ăn uống còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại một quán kinh doanh đồ uống trên phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, vẫn một công thức như lúc sáng, xe máy ép sát ra vỉa hè phía lòng đường, để lại phần bên trong kê bàn cho khách ngồi. Nhiều người dân cho rằng phải chăng Lãnh đạo phường Trần Hưng Đạo đã "chùn bước" trong công tác xử lý trật tự đô thị ở phố Quang Trung vì có rất nhiều hàng quán sầm uất ở đây ?
Xe máy xếp trên vỉa hè sát phố Quang Trung như một thành lũy be đắp cho hàng bàn ghế bên trong phục vụ khách ăn, uống.
Dọc phố Lý Thường Kiệt đoạn từ số nhà 42H đến 42S vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh.
Những gì còn lại trên vỉa hè sau cuộc tụ tập uống nước, nói chuyện.
Ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh vẫn tái diễn không khác buổi sáng là mấy.
Người đi bộ đẩy trẻ em trên xe cũng phải ễn cưỡng đi xuống lòng đường, nhưng dưới lòng đường là nắp cốc, là rác để trên mặt cống.
Việc xếp xe máy sát mép đường, bày hàng hóa trên vỉa hè dường như đã thành thói quen của những hộ kinh doanh tại đây.
Không chỉ quần áo, xe bán bánh cũng được người kinh doanh tận dụng để trên vỉa hè để bán, mặc dù ngay cạnh là một xe rác.
Khách du lịch, người đi bộ còn cách đi xuống lòng đường.
Một đoạn vỉa hè trên phố Lý Thường Kiệt, đoạn qua số nhà 39A. Nếu nhìn từ góc ảnh này vỉa hè không khác gì một sân gạch rộng lớn bày đầy bàn ghế để bán hàng.

Qua cuộc khảo sát tại một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho thấy tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh vẫn diễn ra mặc dù cả thành phố đang trong Giai đoạn 3 của kế hoạch do Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội ban hành về việc Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Trước đó, ở Giai đoạn 1 và 2 của kế hoạch, lực lượng chức năng các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ra quân trên tinh thần không "đánh trống, bỏ dùi," quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có chỉ đạo quyết liệt, điển hình là việc công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND thành phố hàng tháng. Nhưng với những gì đang diễn ra tại một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì việc giữ gìn trật tự đô thị hình như đang bị xem nhẹ./.