Phương châm “4 tại chỗ” phát huy hiệu quả nhờ các “Tổ liên gia an toàn PCCC”

Hà Nội chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ xảy ra thường trực nhất. Ý thức được điều này, việc đẩy mạnh xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “điểm chữa cháy công cộng” đã giúp Công an huyện Hoài Đức tạo chuyển biến về nhận thức của người dân, hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Công tác tuyên truyền PCCC&CNCH luôn được quan tâm tại địa bàn huyện Hoài Đức

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vinh - Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, công an huyện đã tích cực triển khai việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn, trong đó đã thành lập được 650 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 1.900 “điểm chữa cháy công cộng”.

Một điểm chữa cháy công cộng tại thôn Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức

Đưa chúng tôi đến một điểm chữa cháy công cộng tại thôn Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, ông Trịnh Văn Chỉ - Tổ trưởng Tổ liên gia PCCC của thôn phấn khởi giới thiệu về các thiết bị có tại điểm chữa cháy công cộng này như: búa, xà cầy, kìm cộng lực và bình cứu hỏa. Điều đặc biệt là các dụng cụ này đều được tổ dân phố vận động nhân dân xã hội hóa để lắp đặt.

Theo ông Trịnh Văn Chỉ, hiệu quả của “Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng” của thôn Cao Hạ được chứng nh qua một vụ cháy cột điện xảy ra tại đây vào nhiều tháng trước. Phát hiện vụ cháy, thành viên của Tổ liên gia đã sử dụng bình chữa cháy tại các Điểm chữa cháy công cộng để khống chế đám cháy và dập lửa nhanh chóng.

Ông Trịnh Văn Chỉ - Tổ trưởng Tổ liên gia PCCC của thôn Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức

Còn theo ông Nguyễn Phan Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang, với 59 Tổ liên gia an toàn PCCC và 137 Điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC tới từng hộ gia đình, giúp người dân nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất về PCCC, góp phần làm giảm nguy cơ cháy, nổ và kịp thời xử lý khi có cháy nổ; Xây dựng mối đoàn kết giữa các hộ gia đình trong khu dân cư gắn với phong trào toàn dân phòng chống tội phạm.

Từ những hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn, ông Nguyễn Phan Huy cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với Công an huyện Hoài Đức tiếp tục điều tra cơ bản để duy trì hoạt động và nhân rộng các Tổ liên gia, Điểm chữa cháy công cộng. Xem đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là công tác PCCC ở từng khu dân cư.

Người dân tại các Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn huyện Hoài Đức trong một buổi diễn tập PCCC

Ngoài ra, Thượng tá Nguyễn Thành Vinh - Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) nhấn mạnh, việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị PCCC cơ bản, kỹ năng thoát hiểm, giải quyết sự cố cháy, nổ trong tình huống cháy nổ xảy ra của Nhân dân.

Đồng thời, phát huy phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tổ chức chữa cháy có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn khu dân cư.

Công an huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và tiếp tục xây dựng thêm các “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”

Một tín hiệu tích cực là với việc ngày càng có nhiều “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” được ra mắt trong thời gian qua, bước vào mùa cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu, mô hình này sẽ là giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa và có hiệu quả những đám cháy ngay từ khi mới phát sinh./.