Khoản tài trợ trị giá 25.000 euro không lớn nhưng là câu chuyện đặc biệt thú vị về sức mạnh lá phiếu của cộng đồng.
PV VOV Giao thôngcó dịp gặp gỡ với chị Lê Kim Ngân - Điều phối viên chương trình để tìm hiểu về ý nghĩa của dự án đặc biệt này.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
PV: Lời đầu tiên, xin được chúc mừng INSPIRE VIETNAM là 1 trong 2 dự án đến từ châu Á và là đại diện duy nhất của VN lọt vào vòng bình chọn cuối cùng trong hạng mục rừng để tranh giải thưởng của Hiệp hội Bảo tồn ngoại cảnh châu Âu (EOCA). Cuộc đua lá phiếu đã diễn ra như thế nào, chị có thể chia sẻ không ạ?
Chị Lê Kim Ngân: Cuộc đua của PanNature trong vòng bỏ phiếu cuối tháng 10 vừa qua đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng người dân và các cơ quan địa phương tại chính địa bàn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Không chỉ góp lá phiếu của chính mình, nhiều người dân còn sẵn lòng vận động cộng đồng cùng chung tay.
Tại huyện Vân Hồ, một chị chủ quán nước đã nhiệt tình vận động bất cứ khách hàng nào của mình bình chọn cho dự án trong 2 tuần đầu liền.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) cũng đã kêu gọi sinh viên và cựu sinh viên của trường bỏ phiếu cho dự án. Nhà sách Nhã Nam kêu gọi bỏ phiếu cho dự án kèm giải thưởng là sách cho một độc giả ngẫu nhiên tham gia bỏ phiếu. Một số cộng đồng người Việt tại các nước (Mỹ, Úc, New Zealand) cũng tham gia góp phiếu và chia sẻ kêu gọi bỏ phiếu cho dự án trong nhóm cộng đồng của họ.
Trong lúc dự án tại Việt Nam chạy đua từng lá phiếu thì các dự án từ các quốc gia khác cũng tích cực kêu gọi bầu chọn cho dự án của họ. Cuộc đua về cuối là màn so kè sát nút giữa 1 dự án của Mexico và Việt Nam.
Nhờ sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng, dự án của Việt Nam đứng đầu vài ngày liền. Tuy nhiên, vào đầu giờ sáng ngày cuối cùng của cuộc đua, đội Mexico bất ngờ vượt lên với chênh lệch 7.000 phiếu so với VN.
Một lần nữa, lời kêu gọi bầu chọn được lan tỏa trên cộng đồng mạng trong chưa đầy 12 giờ đua nước rút. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu có bài kêu gọi trên facebook cá nhân thu hút hơn 8.800 lượt like, 873 lượt chia sẻ. Nhiều người có ảnh hưởng với cộng đồng khác cũng tham gia kêu gọi bỏ phiếu cho dự án.
Nhờ sự chung tay của cộng đồng, kết thúc vòng bỏ phiếu vào 18h cùng ngày, dự án của Việt Nam giành chiến thắng với 47% phiếu, đội Mexico bám sát với 40% trong tổng số 49.000 phiếu.
PV: Chị có thể cho Kênh VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) được biết những nét chính trong hoạt động của dự án này không?
Chị Lê Kim Ngân: Tại khu vực rừng Vân Hồ, 95% dân số là đồng bào H’Mông với cuộc sống gắn liền với rừng từ nhiều đời nay, đặc biệt gắn bó chặt chẽ về sinh kế, lối sống. Người H’Mông luôn chọn rừng để bắt đầu cuộc sống vì họ quan niệm có rừng là có đất tốt để canh tác.
Họ cũng thu hái nhiều lâm sản ngoài gỗ như măng rừng, nấm, cây thuốc, và săn bắn các loài thú nhỏ để phục vụ nhu cầu gia đình. Ngoài ra, văn hóa lấy gỗ làm nhà và sử dụng củi làm phương thức nấu nướng, sưởi ấm đã gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng.
Ngày nay, người dân đã có ý thức hơn về sự cần thiết của rừng với đời sống của họ và cũng hiểu biết hơn về các chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng. Tuy nhiên, cộng đồng cần có thời gian và sự hỗ trợ để có thể bảo vệ những cánh rừng vốn gắn bó mật thiết với cuộc sống và sinh kế của họ.
Trong 2 năm tới, khoảng 500 học sinh tại Vân Hồ sẽ tham gia tạo “bom hạt” để giúp phục hồi 100 ha rừng nghèo kiệt nằm rải rác trong khu vực rừng tự nhiên Vân Hồ.
Ngoài ra, 10.000 cây bản địa đa mục đích sẽ phủ xanh 20 ha rừng Vân Hồ với sự huy động và điều phối của chính Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên bản. Giống cây sẽ được cung cấp bởi chính vườn ươm của người dân bản địa. Du khách có thể mua cây tại đây, và tự tay trồng cây trong quá trình tham gia tour du lịch “Đi và trồng rừng” được thiết kế bởi dự án.
Như vậy, không chỉ cộng đồng có thêm sinh kế, giảm phụ thuộc vào tài nguyên rừng, mà khách du lịch cũng được nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, và trực tiếp góp phần phục hồi rừng.
PV: Vậy “bom hạt” sẽ mang lại những giá trị gì cho người dân bản địa để tạo nên cộng đồng bảo tồn rừng, thưa chị?
Chị Lê Kim Ngân: Cộng đồng được xác định là linh hồn trong việc bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, dù có hay không sự can thiệp của dự án. Bom hạt là mô hình mới đang được một vài dự án thử nghiệm tại Việt Nam.
Theo đó, hạt giống cây rừng bản địa chất lượng tốt được thu gom và vùi trong một “quả bóng đất” nên được gọi là bom hạt. Bom hạt thường được làm với đất sét trộn mùn, có thể thêm thành phần chống côn trùng và động vật nhỏ như bột than củi.
Hoạt động làm bom hạt được lồng ghép dưới dạng ngoại khóa trong nhà trường, thực hiện bằng tiếng H’Mông để nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị của rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Bom hạt, sau khi được các em nhỏ hoàn thiện và phơi khô, sẽ được chính các em phân tán tại các điểm rừng nghèo kiệt theo các nhóm nhỏ, với sự hỗ trợ của các thầy cô và tình nguyện viên địa phương. Đến mùa, mưa sẽ đánh thức hạt. Hạt đủ điều kiện sẽ nảy mầm.
Trong hoạt động này, con người thay chim và các động vật nhỏ phát tán hạt theo kiểu “có mục đích và chọn lọc hơn” - cụ thể là quăng hạt ở những nơi cần phục hồi. Nếu để tự nhiên làm việc của mình, thời gian phục hồi của rừng sẽ lâu vì chỉ có một số ít hạt mọc thành cây và cũng chỉ một tỉ lệ nhỏ cây sống sót thành cây trưởng thành do quy luật tự nhiên. Tác động của cộng đồng sẽ đẩy nhanh tốc độ phục hồi, đảm bảo tỉ lệ sống của cây cao hơn.
PV: Dự án có những thách thức nào?
Chị Lê Kim Ngân: Thách thức là làm sao để người dân địa phương chung tay bảo vệ rừng, bao gồm cả khu vực vừa được phục hồi khi dự án kết thúc. Để giải quyết được thách thức trên, PanNature kết hợp các đa dạng các phương pháp can thiệp. Chúng tôi đặt người dân vào trung tâm của dự án, để người dân là người trực tiếp lựa chọn giống cây trồng, và thực hiện phục hồi rừng.
Cùng một loạt các sự kiện truyền thông vận động diễn ra song song, chúng tôi truyền cảm hứng cho cộng đồng về một khu rừng được chính họ “chữa lành” và bảo vệ bằng chính công sức của mình. Khi sinh kế đến từ nguồn thu lâm sản ngoài gỗ và du lịch sinh thái, giữ rừng chính là giữ nguồn thu nhập.
Những cây bản địa đa mục đích như trám, dổi là những loại quả, gia vị đặc sản của ền núi hiện có giá rất tốt trên thị trường. Giá trám là 15.000 đồng/kg, còn hạt dổi có giá đến 800.000 đồng/kg, được gọi là vàng đen Tây
Bắc, là gia vị không thể thiếu để tạo nên hương vị Tây Bắc cho các món thịt trâu, thịt lợn gác bếp.
PanNature hi vọng trong vòng 5 năm, 80% hộ gia đình tại xã Vân Hồ sẽ được cải thiện sinh kế nhờ nguồn lâm sản ngoài gỗ này. Cùng với các đối tác khác, PanNature đang hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, các tổ chức cộng đồng thúc đẩy phát triển thương hiệu, quảng bá và tìm thị trường cho các sản phẩm này.
Việc vận động người dân bảo vệ rừng nằm trong tầm nhìn dài hạn của chương trình Vân Hồ hướng tới thúc đẩy công nhận khu bảo tồn do cộng đồng quản lý, mà dự án INSPiRE Viet Nam là một hợp phần.
Một thách thức nữa là ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch Covid-19. Một hợp phần của dự án là hướng tới nâng cao nhận thức của khách du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới “Đi và phục hồi rừng” như một sinh kế phụ cho người dân Vân Hồ, giúp giảm áp lực vào tài nguyên rừng.
Trong tình hình đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, mục tiêu này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hi vọng vào nỗ lực của các nhà khoa học và của chính phủ, và tin tưởng rằng trong thời gian tới các hoạt động du lịch sẽ dần được phục hồi.
PV: Tầm nhìn giải pháp của dự án này là gì?
Chị Lê Kim Ngân: Khi nói về bảo tồn đa dạng sinh học, chúng ta thường nghĩ về các khu bảo tồn như những nơi trú ẩn an toàn cho các loài động thực vật.
Tuy nhiên, ngoài những khu vực rộng lớn đang được chính phủ bảo vệ như khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia, còn có nhiều hệ sinh thái tự nhiên nhỏ hơn, vẫn mang giá trị đa dạng sinh học cao, thường được các cộng đồng bản địa trên khắp đất nước chăm sóc.
PanNature đã và đang làm việc với các cộng đồng này, và vận động công nhận sự đóng góp của họ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Về lâu dài, chúng tôi mong muốn hỗ trợ thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý để duy trì các nỗ lực của cộng đồng địa phương và đảm bảo đa dạng sinh học ở cấp độ cơ bản.
Đây sẽ là một giải pháp tiềm năng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với bảo tồn văn hóa và truyền thống dân tộc.
Nỗ lực này cũng phù hợp với phong trào toàn cầu thúc đẩy các khu bảo tồn do cộng đồng và người bản địa quản lý (gọi tắt là ICCA), mà PanNature tham gia với tư cách là một thành viên của Hiệp hội ICCA Toàn cầu.
Dự án INSPiRE Việt Nam là một trong những nỗ lực thúc đẩy vai trò của cộng đồng địa phương trong việc phục hồi và bảo tồn rừng bằng cách đặt người dân vào trung tâm của các hoạt động
PV: Xin cảm ơn chị.