Phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên

Hàng năm, cứ vào các tháng cao điểm mùa hè, Đội cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Sóc Sơn thường xuyên triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm đảm bảo diện tích rừng được an toàn trước tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt.

Đoàn công tác công an huyện Sóc Sơn làm việc với BQL rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Xã Minh Phú nằm ở phía tây huyện Sóc Sơn, với 645 ha đất lâm nghiệp do UBND xã và Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú, hàng năm, xã đều ban hành kế hoạch nhằm triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn.

“Chúng tôi cũng khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích rừng được giao bảo vệ”, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết thêm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội (Sở NNPTNT), hiện đơn vị đang quản lí hơn 5.000 ha rừng trên địa bàn hai huyện và chuẩn bị được tiếp nhận thêm diện tích rừng của các huyện khác.

Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, BQL đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và PCCC rừng, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin phát hiện sớm cháy rừng.

Lực lượng cơ động PCCC rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội được trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC tại chỗ

Đặc biệt, nói về sự tích cực của lực lượng cơ động, tại chỗ tham gia công tác chữa cháy rừng, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

“Lực lượng này rất tinh nhuệ, không chỉ trong chữa cháy, mà còn đảm bảo việc quản lý và phòng cháy rừng. Nếu không may cháy rừng xảy ra, đây là lực lượng tiên phong, tiếp cận đám cháy với đầy đủ trang thiết bị chữa cháy tại chỗ. Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hộ nhận khoán, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân sống gần rừng để làm tốt công tác quản lý rừng”.

Tuy nhiên, theo Thượng úy Nguyễn Xuân Hùng – Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Sóc Sơn, công tác đảm bảo an toàn PCCC rừng trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại và khó khăn:

"Trách nghiệm của một số chủ rừng chưa cao, chưa chấp hành điều kiện an toàn PCCC theo quy định. Một số địa phương, công tác tuyền truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức PCCC rừng còn chưa tốt. Khi xảy ra cháy rừng, công tác chữa cháy hết sức khó khăn vì vị trí cháy trên các ngọn đồi, núi, tiếp cận đám cháy rất khó cũng như phải huy động nhiều phương tiện, lực lượng để chữa cháy".

Khi xảy ra cháy rừng, công tác chữa cháy hết sức khó khăn, vì vị trí khó tiếp cận
Đồng thời, việc chữa cháy rừng phải huy động nhiều phương tiện, lực lượng

Để khắc phục những khó khăn này, theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Sơn – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Sóc Sơn, sau khi Nghị định 136/2020 của Chính phủ có hiệu lực, đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, trong đó có chủ rừng trong công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.

“Vì vậy, đối với các chủ rừng và các đơn vị liên quan, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và chỉ đạo của UBND các cấp, các sở, ngành liên quan về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác này…”, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Sơn khẳng định.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Sơn – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội)

Thời gian qua, công an huyện Sóc Sơn cũng thường xuyên giữ mối liên lạc và phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, yêu cầu đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, các loại phương tiện, thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện tốt phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội cho biết: “Để thực hiện 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ), đơn vị đã chủ động trong công tác PCCC rừng bằng các giải pháp lâm sinh, trồng rừng nhiều tán, tạo độ ẩm và làm các đường băng cản lửa. Ngoài ra, chúng tôi sẽ duy trì sự phối hợp giữa lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động bảo vệ rừng và quần chúng nhân dân sinh sống gần rừng, để sẵn sàng phối hợp khi có sự cố xảy ra”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội

Có thể thấy, PCCC rừng là nhiệm vụ cấp thiết và thường xuyên. Vì vậy, ngoài lực lượng chức năng, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng,… và khi phát hiện có cháy, cần thông báo ngay với lực lượng chức năng để tham gia cứu chữa kịp thời./.