Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần phát huy vai trò của ngành logistics trong phát triển đất nước

Ngày 26/11, Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về logistics.

Năm 2020 đánh dấu một thời điểm hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, và Hiệp định RCEP được ký kết. Vấn đề đặt ra là cần đánh giá tác động cụ thể của các hiệp định này tới các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay? Doanh nghiệp logistics cần làm gì để tận dụng những lợi ích mà Hiệp định mang lại?

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã đánh giá thẳng thắn, nghiêm túc thực trạng phát triển ngành logistics của Việt Nam trong thời gian vừa qua và dự báo những diễn biến xảy ra trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, còn có những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như: chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, giống như “điểm nút” lâu nay kìm hãm sự biến đổi về “chất” để dịch vụ logistics của Việt Nam có “bước nhảy” phát triển lên một tầm cao mới phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của hội nhập khu vực và thế giới như đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu trong báo cáo.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ và trình độ nguồn nhân lực logistics còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Nhân dân

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tiếp tục duy trì “mục tiêu kép” cùng các giải pháp hỗ trợ lao động và doanh nghiệp đã được thực hiện xuyên suốt trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt quan tâm tới bộ phận người dân mất việc làm và có thu nhập thấp, doanh nghiệp ở các ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như: dịch vụ du lịch, logistics, hàng không Tiếp tục gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định chính trị cho phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.

Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy nhân sự phù hợp cho bộ phận đầu mối giúp việc Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại để triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Từ đó phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương để kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics quốc tế và trong nước sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19 phục hồi kinh tế.

Thời gian tới, các cấp, các ngành cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics; đặc biệt là trong nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra./.