Phố đêm lấp lánh, phố ngày rác lộ thiên

Được xây dựng với kinh phí 200 tỷ đồng, Hồ Bún Xáng ở TP. Cần Thơ được kỳ vọng là công trình giúp tăng lưu lượng dự trữ nước, chống ngập và làm khu ẩm thực-giải trí sầm uất về đêm.

Thế nhưng khi đến đây, thực khách khó lòng ăn uống nổi khi trước mắt là rác thải “đặc kẹo” nằm dưới mép hồ. Hình ảnh và mùi hôi của rác đã phá vỡ toàn bộ nỗ lực của địa phương trong việc xây dựng cảnh quan thành phố sáng- xanh-sạch-đẹp.

Hai năm nay, phố ẩm thực Hồ Bún Xáng của TP. Cần Thơ là tụ điểm ăn uống và giải trí thứ 2 sau “thiên đường” Bãi Cát. Hằng đêm, cả dãy phố ôm mình dọc theo cánh cung của hồ Bún Xáng lấp lánh ánh đèn. Hàng quán bày biện thức ăn đủ loại với phong cách Á, Âu, Thái, Hàn.

Đêm kết thúc, sáng dậy thì hình ảnh đối lập hiện ra trước mắt, cả khu vực nhếch nhác bởi rác.

Phố ẩm thực Hồ Bún Xáng là trung tâm giải trí lớn chỉ đứng sau "thiên đường" Bãi Cát của TP. Cần Thơ

Mặc dù hằng năm nơi này được Đoàn thanh niên Phường chọn làm điểm dọn dẹp sạch sẽ rồi dựng bảng “cấm đổ rác”. Thế nhưng, khu vực vẫn nhan nhản rác. Người dân sống tại khu vực thì không thừa nhận mình vứt, nên chẳng ai biết rác từ nơi nào rớt xuống chỗ này?

Chị Lê Thị Dung – sống tại KV3, phường An Khánh cho biết: “Mỗi người “góp”chút xíu là cái hồ này y như cũ. Ví dụ bạn quăng hộp cơm, tui quăng bọc rác là coi như xong. Bây giờ mình phải ý thức, rác bỏ gom lại một nơi là cái hồ này sạch liền”.

Tuy nhiên, Hồ Bún Xáng cũng là địa điểm ô nhiễm bởi rác nhiều nhất Cần Thơ

Theo nhiều người, rác thải là do người đi đường vứt xuống hồ và một bộ phận ý thức kém của người dân sống xung quanh hồ. Cứ nghĩ hồ công cộng, diện tích hơn 100 hecta, nên mặc nhiên xả thải vô tư. Từ đó làm nên “tai tiếng” của công trình trăm tỉ chỉ để chứa rác.

Anh Huỳnh Sơn Tú – bán nước trái cây dọc theo Hồ Bún Xáng cho biết: “Lâu lâu có mấy anh bên Đoàn thanh niên có đến dọn mà dọn xong rồi lại y nguyên như cũ. Mình bán nước mà nhìn ra thấy bãi rác cũng không có vui vẻ gì hết, khách uống cũng đâu có ngon lành gì đâu”.

Rác đủ loại từ nhựa, nilon, thùng xốp

Giới “sành điệu” lĩnh vực ăn uống ở Cần Thơ chẳng ai xa lạ gì khu ẩm thực Hồ Bún Xáng. Trên 100 quán ăn, uống, giải trí quy tụ về đây hoạt động tới 3h sáng và là khu ẩm thực thứ 3 mà Cần Thơ đang quy hoạch để phục vụ cho đề án phát triển kinh tế đêm. Thế nhưng, khi đến đây, người ta lại thấy hụt hẫng.

Anh Nguyễn Thành Sang – một thực khách cho biết: “Cảm thấy rất dơ, không có trong sạch gì hết. Cần ý thức, phải nhận ra hồ này là hồ công cộng phải giữ gìn vệ sinh chung. Thấy khó chịu và không ngon khi ăn”.

Hồ Bún Xáng ô nhiễm và đã nhiều lần được các tổ chức Đoàn thanh niên ra quân dọn dẹp nhưng tình trạng vẫn hoàn như cũ. Nghịch lý đêm lấp lánh ngày nhếch nhác vẫn tồn tại ở khu ẩm thực này như thách thức công tác quản lý từ địa phương.

Phát huy tối đa công năng của Dự án Thu gom rác thải trên sông

Không chỉ có Hồ Bún Xáng mà chợ nổi Cái Răng và khắp các nhánh sông rạch trên địa bàn TP.Cần Thơ đều đang phải chịu áp lực khủng khiếp từ rác thải nhựa. Mặc dù công tác thu gom rất tích cực, lực lượng thanh niên tình nguyện chấp nhận trầm mình dưới những con kênh thu dọn rác thải trong ô nhiễm. Thực tế này đòi hỏi thành phố phải phát huy tối đa hiệu quả các công năng của Dự án môi trường đang được thí điểm trên địa bàn.

Liên quan vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Phạm Nam Huân – PGĐ Sở TN&MT TP. Cần Thơ.

Ông Phạm Nam Huân - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ

PV: Trong số nhiều dự án làm sạch môi trường đang tiến hành tại Cần Thơ, nổi bật nhất là Dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông” do Tổ chức Làm sạch biển (TOC) của Hà Lan viện trợ không hoàn lại. Xin ông cho biết, hiệu quả của Dự án này đến thời điểm này, thưa ông?

Ông Phạm Nam Huân: Hệ thống Thu gom tự động rác nổi (Interceptor) trên sông Cần Thơ giống như một chiếc phà nhỏ có chiều ngang 8,1m, dài 24,7m và cao khoảng 4,4m, lưới chắn rác chiều dài từ 10-160m.

Hệ thống được đặt cố định tại vị trí thuộc bờ phải, thuộc tuyến đường thủy nội địa rạch Cần Thơ từ km 03+403 đến km 03+538 (dài khoảng 135m dọc sông, rộng ra sông khoảng 53m đến 55m trên địa bàn phường Xuân Khánh, Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).

Công nghệ thu gom của Hệ thống này chủ yếu là nhờ sức đẩy của dòng chảy, đưa rác men theo lưới chắn rác đến băng chuyền bên trong hệ thống, sau đó được đưa đến 06 thùng chứa rác đặt trên sà lan.

Dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông” do Tổ chức Làm sạch biển (TOC) của Hà Lan viện trợ không hoàn lại

Đầu tiên, điều thấy rõ nhất là hiệu quả về mặt truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Từ khi đi vào vận hành thử nghiệm, nhiều hoạt động liên quan đến dự án đã lan tỏa được những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, người dân cảm nhận sâu sắc được sự quan tâm, giải pháp kỹ thuật của Chính quyền thành phố đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, hoạt động thu gom rác thải trên sông nói riêng, từ đó thay đổi những thói quen, hành vi xấu gây ô nhiễm môi trường trong cộng đồng.

Thứ hai, hoạt động của Thuyền thu gom rác trên sông đã thu gom lượng rác thải trôi nổi trên sông, cụ thể: Qua 09 tháng vận hành thí điểm (10/12/2021-10/9/2022): tổng khối lượng rác vớt được là 93.407,20 kg. Vận hành năm 2023: tổng khối lượng rác vớt được là 61,3 tấn. Vận hành 6 tháng đầu năm 2024: tổng khối lượng rác vớt được là 19,93 tấn.

PV: Thời gian gần đây, khách du lịch phản ánh tình trạng rác thải trên chợ nổi Cái Răng và Hồ Bún Xáng quá nhiều. Bên cạnh có hệ thống thu gom thì Sở TN&MT có giải pháp nào ngăn chặn một cách mạnh mẽ và quyết liệt?

Ông Phạm Nam Huân: Chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác thải đúng quy định, tăng cường công tác quản lý phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn theo đúng quy định.  

Xây dựng, triển khai kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố theo quy định.

Tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn thành phố như: dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi Cái Răng…

Công nghệ thu gom của Hệ thống này chủ yếu là nhờ sức đẩy của dòng chảy, đưa rác men theo lưới chắn rác đến băng chuyền bên trong hệ thống, sau đó được đưa đến 06 thùng chứa rác đặt trên sà lan.

PV: Chúng ta còn Dự án thí điểm Bẫy rác và nâng cao hệ thống tái chế địa phương của CLEAR RIVERS. Hiện nay hệ thống này đã triển khai đến đâu và hiệu quả bước đầu ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Nam Huân: Vào tháng 6 năm 2024, Sở TN&MT phối hợp Tổ chức Quỹ đảo tái chế CLEAR RIVERS, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức lễ khởi động Dự án, lồng ghép hoạt động ra quân vệ sinh môi trường tại rạch Cái Khế, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Cho đến nay, sau 5 tháng hoạt động, bẫy rác đã thu được hơn 1,5 tấn rác, bao gồm các loại rác thải sinh hoạt, túi nilong, thùng xốp, hộp xốp và các loại rác thải nhựa khác.

Trước hết, sự hiện diện, vận hành của bẫy rác đã mang lại hiệu quả tích cực về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng; giúp cộng đồng địa phương nhận thức rõ hơn về ô nhiễm rác thải trên sông, rạch, cụ thể hơn là ô nhiễm nhựa. Với thiết kế đơn giản, chi phí vận hành thấp, bẫy rác đã cho thấy khả năng thu gom rác trên sông hiệu quả với trung bình khối lượng rác thu được là 30kg/ngày chỉ với một nhân công.

Xin cảm ơn ông!

Sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để thực hiện dự án ngăn rác thải nhựa đổ ra biển

Trước áp lực của một thành phố phát triển tiến lên đô thị sinh thái thì các Dự án này rất hữu ích và tiện lợi. Tuy nhiên, cổ máy có nhiệm vụ và năng suất của cổ máy. Riêng cá nhân mỗi người trong xã hội này vẫn phải đề cao tinh thần giữ gìn vệ sinh và không vứt rác bừa bãi.

Hy vọng, địa phương sẽ quyết liệt hơn trong công tác phát hiện, xử phạt các hành vi vứt rác bừa bãi để giữ gìn thành phố sáng – xanh – sạch – đẹp cả ngày lẫn đêm.