Phát triển xe điện tại Việt Nam: Nắm bắt cơ hội 'vàng' nhưng không nên nóng vội

Xe điện hiện đang là xu thế toàn cầu và được dự đoán sẽ thay thế các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Không thể bỏ lỡ cơ hội này, vậy Việt Nam cần làm những gì để tạo đà cho quá trình phát triển thị trường xe điện một cách hi

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Để phát triển ngành xe điện, một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu là hạ tầng trạm sạc

Ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Do đó, xe điện được coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay khu vực Châu Âu đã đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình phát triển nội địa, đồng thời hướng ra thị trường quốc tế.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế, số lượng xe điện được bán ra riêng trong năm 2020 tăng 70% so với năm 2019. Tổng số xe được lưu hành năm 2020 ước tính khoảng 3 triệu xe. Trong đó số lượng ước tính ở Châu Âu là 1,4 triệu xe, sau đó là Trung Quốc với số lượng 1,2 triệu xe và Mỹ 295.000 xe.

Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore và Indonesia cũng đang ráo riết trong cuộc đua phát triển thị trường xe điện. Còn tại Việt Nam, với dân số gần 100 triệu dân, trong khi số lượng xe điện còn rất hạn chế nên được coi là một thị trường vô cùng tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.

Hiện các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm và cho ra mắt các dòng xe máy điện, xe hybrid và ô tô điện.

Đây được coi như thời điểm, cơ hội “vàng” để phát triển ngành xe điện, theo bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast:

 

“Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm với các nước trong khu vực.Thậm chí Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có.

Chúng tra cần kịp thời nắm bắt, nếu chậm trễ, để một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước ta, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này”.

Để phát triển ngành xe điện, một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu là hạ tầng trạm sạc. Hiện Vinfast đang tích cực triển khai và đạt được 500/2.000 trạm sạc trong kế hoạch của giai đoạn 1 tại 63 tỉnh, thành phố. Dự kiến hoàn thành 2.000 trạm sạc tương ứng với hơn 40.000 trụ sạc các loại trong năm 2021.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thùy Dương, ngành xe điện Việt Nam hiện vẫn còn nhiều chỗ trống về quy định, tiêu chuẩn hạ tầng. Về vấn đề này, ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết:

 

“Số lượng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện và các bộ phận chính mà chưa phản ánh hết được các yêu cầu phát sinh trong thời gian gần đây. Như thiếu các tiêu chuẩn mới liên quan đến cuộc cách mạng xe điện như cuộc cách mạnh về pin, cách mạng về thời gian sạc, cách mạng về hệ thống điều khiển, …

Việc hệ thống TCVN chưa đầy đủ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp xe điện và ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất của xe điện tại Việt Nam. Các sản phẩm và phụ tùng sản xuất ra sẽ rất khó khăn trong quá trình tìm thị trường tiêu thụ và cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập”.

Về quy chuẩn cho các trạm sạc, thực tế trên thế giới hiện nay cũng chưa có bất cứ quy chuẩn chung nào. Theo ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm, trước khi Việt Nam, hay rộng hơn là thế giới có một quy chuẩn chung về trạm sạc, cần có phương án tạm thời để đáp ứng sự phong phú của thị trường:

 

“Mong muốn chung của người tiêu dùng là trạm sạc phải đạt tiêu chuẩn quy chuẩn chung, sử dụng được cho tất cả các nhà sản xuất khác nhau. Hiện các nhà sản xuất, các quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng những trạm sạc khác nhau.

Tôi tin rằng, thời điểm này, chúng ta cần giải quyết theo hướng tạm chấp nhận các nhà sản xuất có công nghệ khác nhau, có thể sử dụng chung một trạm sạc. Điều này để đáp ứng sự phong phú của thị trường xe điện. Chúng ta có thể bố trí những đầu sạc khác nhau tại trạm sạc”.

Bên cạnh vấn đề về hạ tầng trạm sạc, hạ tầng về điện phục vụ cho hoạt động của ngành cũng là vấn đề cần lưu tâm. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với 40.000 trụ sạc VinFast đấu nối thêm vào hệ thống điện trong thời gian tới có thể tương đương công suất của nhà máy thuỷ điện Lai Châu.

Chỉ tính riêng phụ tải cho xe điện, đã có thể tăng vài trăm MW (megawatt) tới vài GW (gigawatt) cho những năm tiếp theo; ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận hành hệ thống điện và chất lượng điện năng. Do đó, theo ông Võ Quang Lâm, cần sớm có quy hoạch, quy chuẩn cụ thể để ngành điện có thể chuẩn bị:

 

“Chúng ta cũng nói rất nhiều về quy hoạch, nếu có quy hoạch sớm về trạm sạc điện thì rõ ràng phải biết 440MW hay 1.000MW cần sớm quy hoạch rõ xem nằm ở đâu. Tôi cũng mong các Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ sớm ngồi lại với nhau để xây dựng tiêu chuẩn cho các trạm sạc điện.

Cùng đó, phải hoàn thiện tiêu chuẩn quy chuẩn trạm sạc. Vì các trạm này sẽ ảnh hưởng đến trạm biến áp của. Việc có trạm sạc này sẽ lập tức ảnh hưởng đến trạm biến áp trung áp cấp điện cho quy mô chung cư, khu đô thị, bãi đỗ xe…”

Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, nếu có được hệ thống trạm sạc đồng bộ sẽ thúc đẩy việc sử dụng xe điện trong nước. Do đó, cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển trạm sạc, bên cạnh chính sách thúc đẩy sản xuất xe điện:

 

“Câu chuyện ưu đãi cho trạm sạc, khi nói đến chính sách ưu đãi đầu tư nói chung, chúng ta phải dựa vào nguyên tắc trong Luật Đầu tư được xây dựng và thiết kế dựa trên 2 nguyên tắc: danh mục ngành nghề cần khuyến khích đầu tư và địa bàn cần khuyến khích đầu tư.

Như vậy có nghĩa là để có được chính sách ưu đãi phù hợp cho việc xây dựng phát triển trạm sạc điện, đòi hỏi phải rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm căn cứ để xây dựng những chính sách phù hợp”.

Để có thể phát triển được ngành xe điện một cách hiệu quả, bền vững đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ với tầm nhìn trung và dài hạn

Như các chuyên gia đã nhận xét, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển ngành xe điện. Lúc này, những cơ chế, chính sách khuyến khích sẽ là cú hích để các doanh nghiệp phát triển, sản xuất xe điện, giúp Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp xu thế của thế giới, hoặc ít nhất là trong khu vực.

Tuy nhiên, Nhà nước, các ban ngành cũng cần chú ý, kiểm soát, không để phát triển ồ ạt thiếu hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực. Góc nhìn của VOV Giao thông:  Nắm bắt cơ hội “vàng” nhưng không nên nóng vội.

 

Từ kẻ đứng ngoài cuộc đua, nhanh chóng chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã trở thành “ông lớn” trong ngành xe điện toàn cầu, hiện chiếm lĩnh 97% thị phần sản lượng ô-tô điện toàn cầu.

Theo thống kê mới nhất tại Trung Quốc, xe ô-tô thuần điện chiếm hơn 81% trong số 5,5 triệu xe ô-tô sử dụng năng lượng mới đang lưu hành; toàn quốc có tổng cộng 1,88 triệu trụ sạc, gồm 1 triệu trụ sạc của tư nhân, 880 nghìn trụ sạc công.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, ngành xe điện Trung Quốc vẫn tồn tại những mặt trái, đó là những hậu quả của nhiều năm phát triển ồ ạt.

Theo tờ Bloomberg, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc cho biết quốc gia này hiện đang có quá nhiều công ty xe điện. Bị thu hút, mờ mắt bởi các chính sách, biện pháp khuyến khích, nhiều công ty xe điện được thành lập để rồi thất bại, phá sản; chỉ có một số ít gọi vốn thành công và trở nên nổi bật.

Thất bại tiêu biểu có thể kể đến một cái tên đang rất nóng trong những ngày qua, đó là Tập đoàn bất động sản Evergrande. Trong giai đoạn đa dạng hóa danh mục đầu tư trước đó, tập đoàn này đã quyết định nhảy vào lĩnh vực xe điện, thành lập Evergrande NEV.

Đơn vị này tự hào về danh mục sản phẩm gồm 6 mẫu xe khác nhau, nhưng thực tế, chưa có chiếc xe nào được xuất xưởng kể từ khi công ty được thành lập vì các CEO liên tục lùi lịch sản xuất. Thậm chí, doanh nghiệp này còn báo lỗ 740 triệu USD trong nửa đầu năm nay. Theo tạp chí Fortune, Evergrande NEV có thể là hãng xe điện tệ nhất thế giới.

Nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết, trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc đang xem xét thiết lập các giới hạn sản xuất cho lĩnh vực xe điện. Theo đó, các tỉnh không thể bật đèn xanh cho các dự án mới cho đến khi công suất dư thừa được đưa vào hoạt động. Tài nguyên cũng sẽ chỉ được chuyển vào một vài trung tâm được lựa chọn.

Để một ngành nghề phát triển, chính sách cần phải đi trước một bước để dẫn dắt, định hướng. Tuy nhiên, với ngành xe điện Việt Nam hiện tại, đang có dấu hiệu các doanh nghiệp đi trước cả chính sách.

Hậu quả, ta đã được chứng kiến qua trào lưu ồ ạt phát triển điện mặt trời. Việc ồ ạt đầu tư cho các dự án điện mặt trời trong khi chính sạch, hạ tầng và khả năng vận hành không theo kịp đã gây ra tình trạng thừa điện nhưng không thể huy động.

Mới đây, Bộ Công Thương đã phải đề nghị tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

Đó là bài học mà ngành xe điện Việt Nam cần phải chú ý. Những quốc gia đi sau như Việt Nam bên cạnh các yếu tố thuận lợi cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Để có thể phát triển được ngành xe điện một cách hiệu quả, bền vững đòi hỏi cần phải có những giải pháp đồng bộ với tầm nhìn trung và dài hạn.

---

Nghe thêm Sự việc & Góc nhìn trên Appler Podcast: