Nghe nội dung chi tiết tại đây:
'Ở nhà cô có hay phân loại các loại rác không?'
'Chưa có phân loại rác gì cả. Thùng rác để đây chả ai bảo phân loại. Đây này một thùng rác cứ thế đổ ra có phân loại đâu. Nếu phân loại người dân đã biết mà phân loại'.
'Ở bên Đức họ làm rất tốt. Thùng rác đưa về từng gia đình, 1 tuần đổ 2 lần. Ở từng nhà họ có 2 ngăn rác nếu ai bỏ lẫn họ không chở thùng đấy đi bắt buộc anh phải để riêng ra. Đây tầm 9-10h hàng họ đầy, họ cứ vứt ra đường vì thùng đầy rồi'.
Dù đã có nhiều phong trào khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn nhưng đến nay khi được hỏi, nhiều người vẫn lắc đầu không biết, không quan tâm hoặc cho rằng đây là hành động thừa thãi vì dù có phân loại, rác vẫn đang được thu gom chung.
Trong khi đó, chị Minh, công nhân vệ sinh môi trường Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội không ngơi nghỉ trong ca làm việc khi phải đi gom rác trên từng tuyến đường phụ trách:
'Có người ý thức vứt vào thùng, có người vứt xuống đất. Cái này hội chị chỉ thu rác ngoài đường nhiều loại sau đó lên bãi có người ngồi phân loại. Đến giờ xe cẩu đi đổ thì đi. Chứ bọn chị làm này vất vả, một mình hàng bao nhiêu đường'.
Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại một số đô thị do chưa làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt. Đặc biệt là các thành phố lớn, đang đứng trước nhiều thách thức. Tại nhiều đô thị, hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải vẫn theo phương thức truyền thống thủ công, bán cơ giới; thiếu trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển sau phân loại.
Quỹ đất để chôn cất rác tại đô thị có hạn, lâu dài sẽ gây ô nhiễm. Với mục đích đầu tư nguồn lực chuyển sang xử lý bằng công nghệ đốt rác như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cần phân loại rác ngay từ đầu nguồn. Việc này sẽ khó thực hiện nếu các đơn vị thu gom, vận chuyển không hoạt động đồng bộ.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định: 'Chúng ta cũng cần có một thời gian nhất định để vận động ý thức người dân và cũng tạo điều kiện cho người dân tăng chi phí hơn về tiền bạc và thời gian để làm chuyện này. đã có lần người dân phân loại rồi nhưng các xe rác lại gom cả 3 loại rác đó vào làm 1 và khiến cho người dân thấy việc phân loại của mình là vô ích. Để phân loại ra và vận chuyển rác đến đúng nơi đến nơi xử lý thì phải có những loại xe rác có thể phân loại rác'.
"Greenlife" đổi rác lấy quà và khuyến khích phân loại rác tại nguồn
Để góp phần khuyến khích và hình thành thói quen phân loại, giảm rác, tiêu dùng xanh, tổ chức Green Life với hoạt động “Đổi rác lấy quà” mới đây đã khởi động lại sau giãn cách.
Cao Đức Bảo sinh viên năm thứ tư, Đại học Bách khoa Hà Nội nhiều lần mang rác đã phân loại tới trụ sở của Green Life hoặc các điểm công cộng để đổi rác lấy quà:
'Em có tìm hiểu hướng dẫn phân loại rác, học cách phân loại ở nhà giấy A4 in rồi, bìa, chai nhựa, vỏ lon… Em đến đấy hướng dẫn cân các loại. Ví dụ 2 cân giấy được 1 điểm đổi được 1 cây xương rồng nhỏ. Ở trên tầng thượng có nhiều cây em đổi từ chương trình thúc đẩy mọi người phân loại rác'.
Từ khi bắt đầu hoạt động từ năm 2018, mỗi tháng Green Life đều đặn tổ chức dịch vụ “Đổi rác lấy quà”. Cuối tuần, người dân sẽ mang rác của nhà mình đã được phân loại ra các địa điểm tập trung như: trung tâm thương mại, trường học… đổi lấy cây xanh và sản phẩm thân thiện môi trường. Trung bình mỗi tháng, Green Life thu gom và xử lý gần 10 tấn rác và xây dựng các tủ sách cộng đồng.
Bạn Khuất Thu Phương, thành viên Ban đối ngoại của Green Life cho biết, rác sau khi thu gom mang tái chế thành sản phẩm có ích: 'Cũng có những người không cần đổi mà gửi rác tới, gửi cả qua bưu điện. Khách mang rác đến phân loại cũng kỹ vì chúng em nhận lượng rác rất nhiều. Mọi người phân loại theo cách dễ nhất mọi người hiểu. Có những sản phẩm tuần hoàn, rác nhận được chuyển cho công ty tái chế thành sản phẩm bên em lại mang về bán'.
Trong tháng 11 này, Green Life nhận đổi nilon và bao bì/nhựa lấy quà tại ngõ 128C Đại La Hà Nội vào 2 ngày cuối tuần này và tuần cuối tháng.