Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển: Thính giả hiến kế 2 lựa chọn

Một thính giả của Kênh VOV Giao thông vừa đưa ra đề xuất về việc tổ chức giao thông nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi -Nguyễn Xiển. nhằm giúp điểm nóng này thoát khỏi cảnh ùn tắc triền miên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo thính giả Trần Hải Bằng, hiện đang sinh sống ở Khu đô thị Geleximco Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, người tham gia giao thông đang có quá nhiều lựa chọn tại nút giao này, và ở vị trí quản lý giao thông, chúng ta nên sắp xếp lại tuyến đường để người tham gia giao thông chỉ có 1 lựa chọn hướng đi tại từng vị trí, tối đa là 2.

Như hiện nay, tại nút giao này đang có 8 lựa chọn. Khi đèn xanh bật thì cũng đồng nghĩa với những vị trí còn lại phải dừng, gây ùn tắc cục bộ.

Vậy nếu tất cả các phương tiện đều được di chuyển (dù đoạn đường di chuyển có thể dài hơn 1 chút), ùn tắc giao thông khả năng cao sẽ được giải quyết?

Nút giao 4 tầng Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến-Nguyễn Xiển từ lâu đã trở thành điểm nóng ùn ứ triền ên tại Hà Nội.

Do vậy, thính giả Bằng đưa ra phương án tổ chức lại giao thông tại nút giao này như sau: 

Thứ nhất, xác định trục đường chính, ưu tiên:

+ Do hướng đi từ Hà Đông - Nguyễn Trãi đã có hầm chui, vậy nên NTGGT (người tham gia giao thông) dừng đèn đỏ tại nút giao này phần lớn chỉ có nhu cầu rẽ trái (Số ít)

+ Trục đường vành đai 3 Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến sẽ là trục đường được ưu tiên vì lưu lượng đi tuyến đường này sẽ đông hơn.

Thứ hai, bỏ đèn đỏ ở ngã tư này - nối liền đoạn đường từ Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến

+ NTGGT từ Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến muốn đi thẳng, mặc định sẽ được đi liên tục, không còn phải dừng đèn đỏ nữa, nếu muốn rẽ phải đi Nguyễn Trãi hoặc rẽ phải đi Hà Đông cũng không cần dừng đèn.

+ NTGGT từ Khuất Duy Tiến muốn rẽ trái đi Nguyễn Trãi sẽ đi thẳng đến điểm quay đầu trên đường Nguyễn Xiển và quay đầu sau đó rẽ phải về Nguyễn Trãi.

+ NTGGT từ Hà Đông muốn rẽ trái đi Khuất Duy Tiến sẽ rẽ phải về Nguyễn Xiển rồi quay đầu - hoặc đi hầm chui từ Hà Đông qua Nguyễn Trãi rồi quay đầu rẽ phải đi Khuất Duy Tiến (Tương tự với NTGGT ở các vị trí khác)

Thứ ba, xác định điểm quay đầu:

+ Điểm quay đầu trên đường Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến nên đặt xa nút giao này khoảng 200-300 mét để các phương tiện tại các nút giao có thời gian và khoảng cách để nhập làn, sau đó tách làn.

+ Để tránh ùn tắc tại điểm quay đầu, việc mở rộng điểm quay đầu này cũng sẽ tốn ít chi phí hơn việc mở rộng cả nút giao.

Thứ tư, bỏ đường đi lên đường trên cao tại nút giao này

+ Một trong những nguyên nhân gây thêm ún tắc là một lượng xe ô tô được phép đi lên Đường trên cao vành đai 3.

+ Nên lùi điểm lên đường trên cao vành đai 3 ở phía Nguyễn Xiển về gần trường Đại học Thăng Long vì tại vị trí này sẽ rộng và thoáng hơn, không có nút giao gây ùn tắc nào.

+ Đường đi lên đường trên cao ở phía Khuất Duy Tiến nên bỏ - vì tại đây gần nút giao Lê Văn Lương, không thể lùi sang vị trí khác được

Thứ năm, tổ chức lại giao thông tại nút giao Phạm Tu – Nguyễn Xiển 

+ Tại nút giao Phạm Tu - Nguyên Xiển nên bỏ đèn đỏ, các phương tiện đi trên trục Nguyễn Xiển sẽ được phép đi liên tục, tránh ùn tắc

+ NTGGT muốn rẽ trái đi các hướng thì sẽ đi thẳng và tìm điểm quay đầu.

Thứ sáu, thí điểm trước tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển.

Sau khi thí điểm và đánh giá hiệu quả, có thể áp dụng mô hình này tại các nút giao lớn khác như Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến.

 Như vậy, sau khi điều chỉnh như đề xuất, tại từng vị trí, NTGGT sẽ chỉ được tối đa 2 lựa chọn:

+ Đi thẳng

+ Rẽ phải hoặc Quay đầu

Theo anh Bằng, là một người tham gia giao thông nhiều năm trên tuyến đường này, anh mong muốn những thay đổi tích cực để quá trình di chuyển hàng ngày nhẹ nhàng hơn.

"Đề xuất của tôi có thể còn nhiều hạn chế, nhưng việc thí điểm để đánh giá hiệu quả ban đầu không hề tốn kém", anh Bằng cho biết.