Nước rút, ưu tiên xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường

Sau bão số 3, người dân đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, nguồn nước bị ô nhiễm... Vấn đề vệ sinh môi trường sau bão lũ trở nên cấp bách, với tinh thần nước rút đến đâu thì vệ sinh môi trường, quét dọn đến đó.

Sáng ngày 14/9, tất cả các địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành ra quân tổng vệ sinh môi trường nhằm khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Hai phường bị ảnh hưởng ngập lụt là Chương Dương và Phúc Tân của quận Hoàn Kiếm đã huy động các lực lượng chức năng và nhân dân tham gia dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn phòng chống dịch bệnh để hỗ trợ người dân khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Tại quận Tây Hồ, sau khi nước rút, người dân khu vực ngoài bãi sông thuộc phường Tứ Liên cũng đang hối hả dọn dẹp lại nhà cửa, ngõ phố.

Một điểm gom rác thải bị ngập nước ven sông Hồng trong những ngày mưa lũ. Ảnh: Quang Hùng

Còn tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, nước đã rút dần tại một số địa bàn, người dân bắt đầu trở về dọn dẹp sau lũ. Bà Ngô Phương Liên, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái chia sẻ, cách đây vài ngày, mực nước từng lên cao bằng tầng 1 đến nay đã rút nhưng vấn đề dọn dẹp và xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn: “Rác ở đây chưa có chỗ thoát nên chỉ được quét từ trong nhà ra ngoài sân thôi, chưa biết bao giờ mới xong được”.

Ông Vũ Văn Mạnh phường Đồng Tâm, TP Yên Bái bày tỏ lo lắng: "Sau lũ, tất cả các rác thải của người dân nước ngập khiến rác trôi nổi. Công tác vệ sinh và phòng bệnh rất quan trọng, vất vả. Chúng tôi đang phân loại rác thải nhựa và vô cơ riêng ra để thu gom được thuận tiện hơn".

Ngoài tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn sau mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, tại tỉnh Lào Cai, hiện các lực lượng cứu hộ, người dân địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả sau bão như vét dọn bùn đất, vệ sinh môi trường nhà ở và đường sá, không để dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Ông Lê Việt Đông - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng thông tin: “Sau khi nước rút, trạm y tế đã cử cán bộ phụ trách từng thôn, tổ dân phố xuống tận nơi để hướng dẫn người dân pha hóa chất khử khuẩn trong nhà cũng như các dụng cụ trong gia đình để đảm bảo vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm".

Rác thải sẽ là vấn đề lớn sau khi nước rút nếu không có biện pháp xử lý

Sau khi bão tan, nước rút, người dân phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc người dân cần ưu tiên làm là nhanh chóng dọn dẹp để vừa hạn chế phát sinh dịch bệnh, vừa giúp cho công việc diễn ra nhanh hơn.

Tiếp đó, người dân phải làm sạch nguồn nước, phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt. PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, các biện pháp cấp thiết cần triển khai: “Thời điểm này rất quan trọng vì nếu chúng ta sống trong môi trường ô nhiễm, không có nước sạch thì dịch bệnh phát triển nên việc rất cần là gấp rút vệ sinh môi trường, loại bỏ chất thải, thu dọn, vét bùn, thau rửa nước rồi khử khuẩn”.