Nông nghiệp tôn trọng môi trường dưới góc nhìn của thương nhân người Pháp

Ở tuổi gần 50, sau 25 năm chu du khắp các châu lục, Jean-Luc quyết định dừng chân ở Việt Nam.

Vào thời điểm những năm 90, khi khái niệm về “nông nghiệp hữu cơ” còn rất mới mẻ, Jean-Luc đã quyết định đặt nhà máy Les Vergers Du Mekong - Vườn trái Cửu Long chuyên sản xuất Café, nước ép hoa quả, trà…tại Cần Thơ – trung tâm của vựa trái cây lớn nhất Việt Nam và theo đuổi con đường phát triển nông nghiệp bền vững.  

 

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

CHẠY THEO SẢN LƯỢNG, NÔNG DÂN KHÓ SỐNG

Jean-Luc sinh ra trong một gia đình nông dân nhỏ ở Pháp. Nông nghiệp đã trở thành một phần trong cuộc đời của ông. Với ông, sự phát triển bền vững thực sự chỉ có thể đạt được khi tất cả các bộ phận của chuỗi giá trị phối hợp với nhau, đặc biệt là việc đưa các hộ sản xuất nhỏ vào chuỗi giá trị thực phẩm.

Đó cũng là bài học mà nước Pháp đã từng trải qua trong quá khứ khi người nông dân rơi vào bế tắc và thua lỗ vì canh tác lớn và không có lợi nhuận. 

Quan điểm của Jean-Luc là nếu làm nông nghiệp chạy theo sản lượng – năng suất cao và giá rẻ, nông dân sẽ không thể nào sống nổi. Việt Nam đang đứng ở ngã tư đường, tương tự như ở nước Pháp của nhiều thập kỷ trước. Và muốn đi đường dài hơn, chỉ có thể là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Bởi một người nông dân ở Pháp hiện tại sản xuất hữu cơ sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn trong một chu trình ngắn hơn, trực tiếp hơn, và họ hạnh phúc hơn.

'Vậy ở ngã tư đường, Việt Nam sẽ chuyển hướng sản xuất theo mô hình nào? Hàng hóa quy mô lớn? Trong 20 năm nữa, số lượng người làm nông nghiệp ở ĐBSCL từ 10-12 triệu sẽ giảm xuống còn 200.000 nông hộ thôi.

Khi hướng sản xuất hàng hóa mà chỉ quan tâm đến năng suất, đồng nghĩa với việc sẽ sử dụng chất hóa học. Người đầu tiên phải chịu hậu quả - bệnh ung thư, đó chính là người nông dân.

Chính vì vậy, nền sản xuất hàng hóa ở mặt nào đó sẽ mang đến bệnh tật cho người nông dân. Đồng bằng Sông Cửu Long – với số lượng nông hộ nhiều như vậy, có thể đi theo hướng sản xuất sản phẩm hữu cơ với sự đa dạng sinh học mà nó vốn có và phải hướng đến nông nghiệp tôn trọng môi trường, ông Jean-Luc nói.

DU LỊCH SINH THÁI KẾT HỢP NÔNG NGIỆP TÔN TRỌNG MÔI TRƯỜNG

Ông Jean-Luc chia sẻ, trong đại dịch COVID-19, nhiều nông dân phải chịu cảnh rớt giá, nông sản làm ra không thể bán được, trong khi đó họ phải vất vả mỗi ngày.

Trong quá trình làm việc với 2.000 nông hộ nhỏ tại Việt Nam, ông đã thuyết phục họ làm nông nghiệp sạch, từ bỏ thói quen dùng phân hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.

Quá trình này sẽ được các kỹ sư kiểm tra thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Ứng dụng này cũng cho phép dự báo, cảnh báo sớm các dịch bệnh xảy ra trong vùng. 

Ông Jean-Luc: "Ví dụ một người nông dân có diện tích 2ha. Người đó sẽ trồng lúa theo kiểu thâm canh tăng năng suất. Ở ĐBSCL, người nông dân khá may mắn vì có thể làm được 2-3 vụ lúa. Như vậy, họ sẽ phải đầu tư vào giống, phân bón, thuốc trừ sâu…Doanh thu tương đương 60-70 triệu đồng.

Nếu không trồng lúa mà chuyển sang trồng cây ăn trái, người nông dân đó sẽ thu được 120-150 triệu đồng/ha. Nếu sản xuất hàng hóa theo hữu cơ, doanh thu có thể tăng thêm 20%, tiệm cận 200 triệu đồng/ha.

Xét ở góc độ môi trường, việc trồng lúa sản sinh ra khí metan, gây ra hiệu ứng nhà kính. Nếu trồng cây, cây sẽ quang phổ ánh sáng, hấp thụ Co2, và giảm lượng carbon thải ra. 

Theo Jean-Luc, Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực duy nhất trên thế giới có những đặc tính đặc biệt và cần được bảo vệ; vì vậy, hướng phát triển đó chính là làm du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp tôn trọng môi trường.

Nhưng điều đó chỉ khả thi khi mọi người đều hướng đến nông nghiệp hữu cơ, vì trên cánh đồng có người làm, người không sẽ ảnh hưởng lẫn nhau.

Jean-Luc mơ mộng rằng, các sản phẩm chế biến Đồng bằng Sông Cửu Long xuất sang Pháp đều được đóng dấu chứng nhận chỉ dẫn địa lý có bảo hộ.