Những người Nghe - Ngửi - Nhìn cho chuyến tàu Tết lăn bánh an toàn

Bất kể nắng hay mưa, ngày thường hay ngày Tết; chân, tay, quần áo luôn lấm lem dầu mỡ nhưng trên gương mặt họ đều nở một nụ cười, tay búa, tay gò, tay hàn luôn vững chắc để đảm bảo sự an toàn cho mỗi chuyến tàu đưa khách về sum vầy bên gia đình.

PV VOV Giao thông có mặt tại Chi nhánh Toa xe hàng thuộc Công ty Cổ phần Vận Tải Đường sắt Hà Nội vào ngày cuối năm 2023. Thời điểm này các công nhân của công ty đang tất bật trong công việc cuối năm.

Ngành đường sắt đang trong “chiến dịch” vận tải Tết. Đây cũng là lúc những công nhân của chi nhánh Toa xe hàng thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội ệt mài, cẩn trọng để mỗi chuyến tàu khởi hành an toàn.

Bước vào “chiến dịch” vận tải Tết 2023, theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc chi nhánh Toa xe hàng thuộc Công ty Cổ phần Vận Tải Đường sắt Hà Nội, ngay từ thời điểm cuối quý 3 và đầu quý 4 năm 2022 ban lãnh đạo đã quán triệt và triển khai các kế hoạch về công tác bảo dưỡng tới từng phân xưởng để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu tết. Bên cạnh đó, Chi nhánh Toa xe hàng và Công đoàn cũng chăm lo đời sống cho công nhân, cấp các khoản kinh phí để tổ chức tất niên cho công nhân phải trực vào đêm 30 tết. Giải quyết chế độ cho công nhân trước Tết Nguyên đán 2023.
Với vai trò phát hiện và khắc phục sự cố trong quá trình tàu vận dụng trên đường về ga cuối cùng, mỗi công nhân đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản nắng mưa phục vụ cho mỗi chuyến tàu khởi hành an toàn.
Các công nhân tay chân luôn lấm lem dầu mỡ.
Anh Lương Quốc Văn - Công nhân Phân đoạn Khám chữa chỉnh bị, thuộc Chi nhánh Toa xe hàng cho biết, anh vào nghề này đã 18 năm, có những lần đi áp tải tàu xa nhà không về nhà ăn Tết. Nhưng vì công việc của mình là đóng góp và phục vụ an toàn cho mỗi chuyến tàu khởi hành, nên anh luôn nêu cao trách nhiệm của mình.
Trước khi mỗi chuyến tàu khởi hành và về ga cuối cùng có rất nhiều công đoạn từ các bộ phận phối hợp, trong đó có đội hình Tiễn tàu và Đón tàu của Chi nhánh Toa xe hàng.
Theo chia sẻ của các công nhân, quy trình Tiễn và Đón tàu nhằm kịp thời phát hiện ra những sự cố trong quá trình tàu vận hành.
Tưởng chừng công việc nặng nhọc chỉ dành cho nam giới, nhưng ở Chi nhánh Toa xe hàng không thể thiếu bàn tay của phái nữ. Chị Nguyễn Thị Lan - Công nhân Phân đoạn Khám chữa chỉnh bị, thuộc Chi nhánh Toa xe hàng chia sẻ, chị đã làm nghề này được nhiều năm và chị rất yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài với nghề này vì chị cảm nhận được công việc này đóng góp vào phục vụ hành khách.
Việc của chị Lan là khắc phục sự cố liên quan đến nhưng phần nội thất trên tàu.
Các công nhân của chi nhánh làm việc không kể ngày đêm để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu. Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Công nhân Phân đoạn Khám chữa chỉnh bị, thuộc Chi nhánh Toa xe hàng, kiểm tra tàu trước khi khởi hành.
Trong quá trình tàu vận hành có thể phát sinh ra hư hỏng toa xe từ các hệ thống, bộ phận như: hệ thống cối chuyển, hệ thống đầu đấm móc nối, bộ phận trục bánh xe, bộ phận giá chuyển hướng, bộ phận quang treo an toàn, hệ thống buông thòng,…
Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, ngoài công việc kiểm tra kỹ thuật, anh Sơn sẽ đấu nối đồng hồ đo áp lực gió đoàn tàu SE6 trước khi khởi hành. Công việc này đóng ý nghĩa kiểm độ xì hở đường gió, cấp gió của đoàn xe có ổn định không. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tuyệt đối an toàn liên quan đến toàn hành trình. Để thực hiện công đoạn này cần những công nhân dày dặn kinh nghiệm và công tác lâu năm.
Một công nhân chia sẻ: “Khi tàu đi và tàu về ga những công nhân trong đội như mình sẽ làm việc hết công suất. Chúng mình hay nói với nhau lúc này cần vận dụng hết khả năng “Nghe - Ngửi – Nhìn”, tức là Mắt phải quan sát xem lúc tàu lăn bánh có sự cố gì khác thường? Tai để nghe những tiếng động phát ra từ tàu xem có âm thanh khác lạ cần phải kiểm tra lại không? Mũi ngửi xem có mùi lạ không?”. Khi “khám” một đoàn tàu sẽ có 2 bước để đảm bảo phát hiện kịp thời những sự cố đó là: 1 người 1 trục có bờ ke và 1 người 1 trục bờ ke cao 1050.
Ở bước 1 người 1 trục bờ ke cao 1050 khi tàu về ga các công nhân sẽ xuống hầm có chiều cao khoảng 1050mm. Hầm này có tên là “Hầm Ke Cao 1050”. Theo trải nghiệm của phóng viên, hầm này được thiết kế vừa chiều cao để công nhân có thể quan sát được toàn bộ phần bánh và gầm của toa tàu.
Từ vị trí này công nhân quan sát thấy được những sự cố phát sinh, những vết nứt gãy hay những sự cố từ hệ thống hãm đoàn xe, ổ bi,… trong quá trình tàu vận dụng. Anh Nguyễn Văn Học - Công nhân Phân đoạn Khám chữa chỉnh bị, thuộc Chi nhánh Toa xe hàng đang “khám” tàu từ Hầm ke cao 1050.
Để đảm bảo nhân lực phục vụ các chuyến tàu tết, các công nhân thuộc phân đoạn khám chữa chỉnh bị ở trạm khác cũng được tăng cường.
Chi nhánh Toa xe hàng cũng phân công công nhân làm việc 24/24 để đảm bảo an toàn kỹ thuật cho mỗi chuyến tàu khởi hành.
Để một chuyến tàu khởi hành được an toàn không thể thiếu “bàn tay thầm lặng” của những công nhân khám chữa chỉnh bị. Bất kể nắng hay mưa, ngày thường hay ngày Tết, chân, tay, quần áo của các công nhân luôn lấm lem dầu mỡ nhưng trên gương mặt của mỗi công nhân đều nở một nụ cười hạnh phúc, tay búa, tay gò, tay hàn luôn vững chắc để đảm bảo sự an toàn cho mỗi chuyến tàu đưa hành khách về sum vầy bên gia đình./.