Những cây cầu “già yếu” tại Hà Nội

Hơn 140 là số lượng cây cầu tạm, cầu yếu không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện cơ quan chức năng đang xếp loại và thứ tự ưu tiên để sửa chữa, cải tạo, thay mới.

Cầu 72II bị lún, lòng cầu trũng xuống biến dạng nằm trong diện phải thay thế vì xuống cấp

Hàng ngày, đi ngang qua cầu Đông Thượng, bà Tô Thị Liên, trú ở Đội 1 thôn Đông Thượng, huyện Quốc Oai, Hà Nội đều cầu mong… trời không mưa. Nguyên nhân bởi cao độ của cả tuyến đường 421B và cầu này quá thấp. Cứ mưa to là ngập không nhìn thấy mặt cầu.

Theo bà Tô Thị Liên, thực trạng này kéo dài vừa gây xuống cấp kết cấu, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, chết máy với người và phương tiện lưu thông qua cây cầu dầm thép đã 46 năm tuổi:

“Không có lối mà đi, ở nhà chả biết làm gì. Đợt mưa vừa rồi cả nửa tháng ngập. Tôi mong các nhà chức trách nâng cấp giao thông cầu này lên cho dân tình đỡ khổ”.

Có số tuổi “già” tương tự là cầu Gồ ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức. Theo năm tháng, cây cầu thép bắc qua sông Đáy này đã bị rỉ sét toàn phần. Bên cạnh đó, đường dẫn đầu cầu đã xuống cấp, mặt cầu nứt vỡ, lòng cầu hẹp, tải trọng nhỏ, xe máy đi qua khó khăn, ô tô lớn đi qua thì xuất hiện hiện tượng rung lắc có thể cảm nhận rõ ràng.

Biết là nguy hiểm, nhưng bà con trong khu vực vẫn phải ngày ngày đi qua cầu Gồ, vì thiếu đường thay thế.

“Nếu cải tạo được đường này thì cả làng đều khen và cảm ơn phóng viên và cảm ơn những người làm cái cầu này”.

Ông Đào Quang Nhật, Phó Phòng Giám sát duy tu đường bộ và tổ chức giao thông, thuộc Ban Duy tu, (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, những cây cầu này thuộc thẩm quyền quản lý, theo dõi của UBND các quận, huyện:  “Trước khi được xây dựng đầu tư cầu mới, chính quyền hai xã Vân Sơn và Vân Côn cần có biển cảnh báo để người dân hạn chế đi qua khu vực này”.

Ông Nhật dẫn chứng cây cầu 72II trên tuyến đường 423 qua xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai gặp tình trạng võng đường, trũng cầu, ngập nước sâu, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Tuy nhiên, có thông tin từ địa phương, cầu chuẩn bị thủ tục đầu tư xây mới từ năm 2014, song đến nay vẫn chưa thấy khởi công.

“Dầm thép bị ngâm nước lâu ngày có tình trạng han rỉ. Hàng năm, khi nước rút có thể sửa chữa, duy tu, bảo trì được thì Ban Duy tu của Sở GTVT Hà Nội vẫn cho đánh gỉ và sơn dưới dầm thép”, ông Nhật cho biết.

Cầu Gồ gỉ sét toàn bộ, đường dẫn đầu cầu xuống cấp, mặt cầu nứt vỡ, xe ô tô lớn đi qua cảm nhận rung lắc

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên toàn địa bàn thành phố hiện có tới 144 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cần sửa chữa, nâng cấp hoặc thay thế. Trong số này, có 55 công trình cầu do thành phố quản lý, 89 cầu do UBND các quận, huyện, thị xã quản lý.

Các cầu yếu trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều hư hỏng của kết cấu chịu lực. Đối với cầu bê tông cốt thép, hệ thống dầm bị nứt vỡ, đặc biệt tại các vị trí đầu dầm; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng nặng… Với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang hầu hết đều bị gỉ sét, dầm chủ nhiều cầu bị đứt gãy, gỉ thủng… không đảm bảo khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã đánh giá, phân loại các công trình cầu tạm, cầu yếu thành 3 nhóm để làm cơ sở đề xuất danh mục và thứ tự ưu tiên đầu tư. Trong đó, nhóm 1 là các cầu cần đầu tư xây dựng mới, thay thế cầu cũ; nhóm 2 gồm các cầu còn sử dụng được, cần sửa chữa, cải tạo; nhóm 3 gồm các cầu chưa có phát hiện hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ.

Dự kiến, các cây cầu nhóm 1 cần đầu tư xây mới sẽ được chuẩn bị công tác đầu tư trong giai đoạn 2024-2025.