Thuế suất 5% với phân bón; không quy định ễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thông qua các sàn thương mại điện tử và mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT là những vấn đề được các đại biểu tập trung cho ý kiến.
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu chỉ ra thực tế, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua, thế nhưng nguồn hàng này chưa được quản lý thuế chặt chẽ.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn Nghệ An đồng tình đối với vấn đề “không quy định ễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thông qua các sàn thương mại điện tử”: "Trong mấy ngày gần đây thì chúng ta thấy rằng là có một số cái sàn thương mại điện tử của nước ngoài đang bán hàng với giá trị rất là nhỏ và rất là thấp, rất là rẻ và rất là cạnh tranh và nếu chúng ta không có những giải pháp sớm thì sẽ ảnh hưởng rất là lớn đến cái ngành sản xuất trong nước. Lý do thứ ba là việc ễn thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, chủ yếu là để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, thì với cái việc áp dụng công nghệ thông tin thì hiện nay việc thực hiện thủ tục hải quan và thu thuế cũng đã giảm bớt thời gian và các cái thủ tục rườm rà khác."
Về đối tượng không chịu thuế quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm 200 triệu đồng trở xuống, các đại biểu phân tích, với mức này, doanh thu 1 tháng chỉ 16 triệu đồng.
Theo đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang, cần tăng mức doanh thu trên 200 triệu đồng: "Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc tăng mức doanh thu tối thiểu hằng năm, con số thì bao nhiêu thì tôi cũng chưa hình dung được. Nhưng theo tôi là phải trên 200 triệu để là cái việc điều chỉnh này thì nó sẽ rất là quan trọng. Bởi vì nếu mà thuế thì nó ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của các hộ kinh doanh cá thể luật của chúng ta nên hướng đến cái việc là tạo điều kiện thuận lợi cho họ để phát triển kinh tế hộ gia đình."
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu là mức thuế suất với mặt hàng phân bón. Dự thảo Luật hiện quy định, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón.
Theo đó, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh và đại biểu Lê Thị Song An, đoàn Long An không đồng tình và cho rằng, phân bón là một trong những yếu tố đầu vào thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam.
Việc có các chính sách hỗ trợ ngành này là vô cùng cần thiết. Việc không áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón có thể mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và nền kinh tế nói chung.
"Không áp dụng thuế VAT 5 % đối với phân bón không chỉ là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội. Chính sách này giúp ổn định giá cả nông sản, thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta"
"Nếu áp dụng thuế suất 5 % đối với phân bón thì Nhà nước và doanh nghiệp có thể sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại là người chịu thiệt thòi nhất", đại biểu Thạch Phước Bình cho biết.
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai và đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác: "Tôi đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Áp dụng thuế 5 % này nó chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu thôi chứ doanh nghiệp trong nước chúng ta bảo vệ được và người dân chúng ta sẽ có cơ hội được giảm giá. Và nguyên tắc làm giá là phải theo quy định của tài chính chứ không phải là cứ auto tăng lên 5 % là giá tăng 5% và người dân sẽ bị ảnh hưởng."
"Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và các tiêu chí tự lực, tự chủ, tự cường thế mà hàng loạt lĩnh vực của chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu rất cao, ngành phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y của chúng ta không sống được, không tồn tại được được phản ánh hàng chục năm nay rồi.
Thế thì nếu thị trường thế giới biến động tăng giá thì chúng ta cũng phải tăng chứ chúng ta làm sao giảm được. Khi mà chúng ta tự lực tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực Chính phủ chúng ta có thể chi phối được ta sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng."
Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính hồ Đức Phớc cho rằng: "Khi mà chúng ta đưa vào đúng là tăng giá, thì tăng giá là chủ yếu là giá nhập khẩu, thuế là áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước; doanh nghiệp của nước ngoài là phải nộp 1.500 tỷ hàng hóa nhập vào quá nhiều nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp 200 tỷ và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm thì sẽ giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón."
Có thể thấy, có nhiều ý kiến khác nhau đóng góp vào dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó, nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, được Chính phủ đề xuất trong dự thảo nhận nhiều sự quan tâm.
Cụ thể, các đại biểu cho rằng, cần “chìa khóa” để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón, đảm bảo mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững.