Nhiều công trình xây dựng, không khí Hà Nội ô nhiễm

Càng gần về cuối năm, thành phố Hà Nội có nhiều công trình sửa chữa, cải tạo chỉnh trang đô thị, nhiều nhà dân cũng đẩy nhanh tiến độ cho kịp hoàn thành trước Tết Nguyên Đán.

Lượng bụi từ các hoạt động xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và cuộc sống của những người dân xung quanh, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí.

Thời gian qua, nhiều vỉa hè tuyến phố đang bị đào bới để cải tạo, sửa chữa, như  phố Lương Định Của (quận Đống Đa), đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông)… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Nhiều xe chở vật liệu xây dựng ra vào các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố nhộn nhịp, nhất là vào buổi tối và đêm muộn.

Sống ở gần 2 tòa chung cư lớn và nhiều nhà dân xung quanh đang gấp rút thi công, ông Hoàng Văn Tuấn ở Hà Đông phản ánh:

"Nói chung là hiện nay công trình rất lớn, và nhiều công trình to bụi rất nhiều. Một số người bán vật tư vật liệu, có một số công nông chở vật liệu xây dựng không che đậy chạy qua đường bụi mù, rơi xuống đầy đường, đá sỏi rơi xuống trơn trượt, rất bức xúc."

Trung tâm Hà Nội mịt mù trong ngày ô nhiễm không khí giữa tháng 11/2024. Ảnh: Phạm Chiểu/VnExpress

Chị Nguyễn Hải My đã chuyển sang sử dụng xe buýt từ nhiều năm nay vì không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm không khí khi tham gia giao thông. Theo quan sát của chị My, nhiều công trình xây dựng lớn, nhỏ của thành phố sử dụng rất ít biện pháp che chắn hạn chế bụi ra môi trường:

"Tại Việt Nam chắc chắn chưa có một biện pháp phòng ngừa nào hết. Tại vì chỉ có 1 cái bạt căng như một cái vải dứa thì nó không thể có một tác dụng gì. Ngoài việc hình thức trông có vẻ tôi đang dùng các biện pháp phòng ngừa nhưng không hiệu quả."

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Hội không khí sạch cho rằng, những năm gần đây, tình trạng che chắn các công trình xây dựng chưa có nhiều cải thiện. Phía trước  nhiều cổng ra vào các công trình xây dựng lớn còn bụi bẩn, nhiều đống cát, đất đá bừa bãi không được dọn kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm bụi, bao gồm cả bụi to và bụi PM 2.5

PGS. TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường cho rằng, những hạt bụi PM 2.5 ảnh hưởng lớn tới sức khỏe vì nó có khả năng đi sâu vào phổi, còn tác động của bụi từ hoạt động xây dựng phải xem xét nguồn gốc gây bụi: "Những hạt bụi có kích thức từ 10- 2.5 cro mét bị chặn ở khoang mũi và khoang ệng (khí quản và phế quản). Chỉ có những hạt bụi có kích thước dưới 2.5 cro mét mới có thể đi sâu vào bộ máy hô hấp dưới (phổi), gây ảnh hưởng đến sức khỏe".

TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, mặc dù hiện nay đã có những quy định xe chở vật liệu xây dựng phải che chắn; khi ra vào công trình, các xe phải rửa trước khi ra ngoài công trình nhưng nhiều dự án chưa thực hiện nghiêm.

Để khắc phục tình trạng này, ông Tùng đề xuất:  "Tại các công trình xây dựng, yêu cầu các chủ công trình lắp camera và truyền dữ liệu hình ảnh về Sở Xây dựng và Sở Tài Nguyên môi trường. Những công trình đó hay hoạt động về ban đêm người dân khó giám sát. Thứ hai ở những công trình sửa sang hạ tầng cầu cống đường sá, có thể tăng cường kiểm tra, cho phép người dân có thể chụp ảnh.

Sự giám sát của chính quyền địa phương và người dân cũng rất quan trọng. Nếu có vấn đề gì xảy ra có ý kiến ngay với các đơn vị thi công."

Hiện thành phố Hà Nội đang có khoảng 36 dự án xây dựng chung cư đang triển khai cùng nhiều công trình giao thông, xây dựng nhà ở đang thi công. Bởi vậy, song song với những giải pháp kiểm soát nguồn phát thải từ phương tiện giao thông, thành phố cũng xem xét rà soát và tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, để hạn chế thấp nhất lượng bụi phát tán ra không khí từ các hoạt động xây dựng./.