"Nhé ạ" - Lỗi chính tả hay dùng sai cách

Khi mà chúng ta ngày càng có nhiều cách thức tương tác với nhau, thì việc sử dụng cách nói, cách viết cũng ngày càng đa dạng hơn. Nhưng đa dạng không nên đồng nghĩa với việc sử dụng từ ngữ sai.

 

Một nhân viên của tôi khi gửi email cho tôi đã viết trong đó một từ mà có vẻ như bây giờ tương đối phổ biến, đó là “nhé ạ”. "Nhé" và "ạ" là hai từ tiếng Việt khác nhau trong văn nói. Từ “nhé” thể hiện sự thân mật, giữa những người đồng trang lứa hay là cấp bậc. Ví dụ như: “Tôi sẽ gặp anh nhé”,  “Ngày mai, tôi sẽ đến anh nhé”… Còn “ạ” là một từ cũng là thể hiện sự thân mật, nhưng giữa những người ở dưới với người ở trên.

Và một cách nào đó, tôi không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra cách ghép hai từ đó lại với nhau. Còn khi mà tôi nhận được email có từ như vậy, tôi giải thích với bạn ấy và bạn ấy cười và nói là: “Bây giờ chúng em toàn viết như vậy”.

Tôi nói lại: “Chuyện bọn em có thể viết hoặc như vậy cũng là một cách riêng, nhưng như thế là sai và mình mình không nên nói một cách sai ngữ pháp!”.

Sau đó, bạn ấy không bao giờ còn sử dụng “nhé ạ” trong các tin nhắn hay email gửi cho tôi. Nhưng tôi vẫn nhận được rất nhiều tin nhắn, email mà ở cuối là có từ “nhé ạ” từ các bạn làm việc cùng, các bạn ít tuổi hơn, hoặc là các khách hàng.

Có vẻ như từ “nhé ạ” đã được sử dụng một cách tương đối phổ biến. Và như thế, thời gian đã khiến cho một cách sử dụng từ sai, bỗng dưng trở nên có vẻ như là phổ biến.

Ảnh nh họa

Đôi khi, tôi phải hỏi là liệu có phải là do mình đã lạc hậu, khi không thể chấp nhận những sai sót như vậy không. Nhưng tôi lại nghĩ, chắc chắn cách xử sự, phản ứng của mình là cần thiết và từ “nhé ạ” có lẽ sẽ không bao giờ nằm trong các từ điển.

Một từ khác mà chắc hẳn các bạn đã từng nghe, đó là khi xem đá bóng trên ti vi, các bình luận viên sử dụng một từ tương đối buồn cười là “sai số”. Từ này thường sử dụng trong kỹ thuật. Sai số là giá trị chênh lệch giữa giá trị đo được hoặc tính được và giá trị thực hay giá trị chính xác của một đại lượng nào đó.

Khi đo đạc nhiều lần, thông thường dù cẩn thận đến mấy, vẫn thấy các kết quả giữa các lần đo được hầu như đều khác nhau, đó là sai số.

Thực tế, từ mà các bạn bình luận viên muốn sử dụng đó là “sai sót”. Ví dụ như: chuyền bóng có sai sót, chạy chỗ sai sót, pha tấn công có những sai sót trong phối hợp, chứ không phải là sai số.

Trước đây, trên báo Văn nghệ, có một mục mà tôi rất thích đọc, đó là mục “Dọn vườn”. Ở đó, mọi người sẽ nhặt ra những hạt sạn về mặt ngôn ngữ. Thực tế, ai cũng có thể có lúc dùng sai từ này hay từ khác, kể cả tôi cũng như vậy.

Chúng ta có thể dùng từ sai chỗ này, dùng từ sai chỗ kia, đặt câu không đúng chỗ này, câu tối nghĩa chỗ kia. Nhưng nếu có những người “dọn vườn” giúp cho chúng ta biết đấy là một cách sai, thì sẽ tốt hơn nhiều.

Và những trường hợp như “nhé ạ” như “sai số” cho thấy, bây giờ rất cần những người “dọn vườn”, để việc sử dụng ngôn ngữ rõ nghĩa hơn, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, như nhiều thế hệ từ các vị lãnh đạo, đến các nhà khoa học lẫn các nhà văn hóa của chúng ta từng mong muốn./.