Nhất quán một mục tiêu

Bất kì quy định mới nào khi đưa vào áp dụng trong thực tế sẽ có thể ảnh hưởng, tác động đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Quy định về tổng thời gian làm việc của lái xe không quá 48 giờ/ tuần cũng như vậy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu giảm số người tử vong và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, thì mọi hoạt động giao thông cần lấy con người làm trung tâm triển khai các hoạt động thay đổi hành vi tham gia giao thông.

Năm 2024 toàn quốc xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết gần 10 nghìn người và làm bị thương trên 16 nghìn người. Một trong các nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, thì nguyên nhân sức khỏe lái xe không đảm bảo, làm việc quá giờ cũng chiếm tỷ lệ nhất định.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc lái xe liên tục quá 4 tiếng hoặc làm việc hơn 10 tiếng/ ngày có thể khiến các lái xe mệt mỏi, căng thẳng, buồn ngủ, không tỉnh táo… tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Nghị định 10/2020 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định tài xế không được lái xe quá 10 giờ/ngày và liên tục quá 4 giờ mà không nghỉ ít nhất 30 phút. Tuy nhiên, quy định này chưa đề cập tổng số giờ làm việc trong một tuần của tài xế.

Với quy định lái xe không được phép lái xe quá 48 giờ/ tuần trong Luật TT ATGT năm 2024 có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2025, nếu vi phạm, lái xe, doanh nghiệp vận tải sẽ bị xử phạt theo Nghị định 168 chắc chắn đã gây ra nhiều xáo trộn cho các doanh nghiệp, lái xe, khi thời điểm Tết Nguyên Đán đang cận kề, nhu cầu vận tải gia tăng.

Một trong các nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, thì nguyên nhân sức khỏe lái xe không đảm bảo, làm việc quá giờ cũng chiếm tỷ lệ nhất định (Ảnh nh họa: ChatGPT)

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế, thời gian qua, có nhiều lái xe do nhu cầu muốn kiếm thêm thu nhập, doanh nghiệp vì muốn tăng lợi nhuận nên lái xe làm việc quá giờ, gây ra sự mệt mỏi, thiếu tỉnh táo khi lái xe và gây ra không ít vụ tai nạn, ảnh hưởng đến sự an toàn bản thân lái xe, hành khách, người tham gia giao thông và làm gia tăng chi phí của các doanh nghiệp. Mặt khác, từ thời điểm xây dựng dự thảo Luật, đến khi Luật được ban hành vào tháng 6/2024, các doanh nghiệp vận tải đã có thời gian để chuẩn bị.

Với những quy định hiện hành về số giờ làm việc của lái xe có thể giúp các lái xe đảm bảo thu nhập, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông gây ra gánh nặng thiệt hại cho Việt Nam khoảng 2,9%GDP, tương đương mỗi ngày mất khoảng 400 tỷ đồng. Ngoài ra, tai nạn giao thông làm gia tăng gánh nặng cho ngành y tế, trong khi  những tổn thất lớn về tính mạng, mất mát cho các gia đình rất khó để đong đếm được.

Quy định mới giờ làm của lái xe sẽ giúp các lái xe có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tránh tình trạng phải làm việc liên tục, bị “vắt kiệt sức” trong những mùa cao điểm, qua đó nâng cao yếu tố an toàn cho các chuyến đi. Nhờ đó, các doanh nghiệp vận tải cũng cần cân đối, phân bổ thời gian làm việc cho các lái xe hợp lý, ổn định, đảm bảo thu nhập cho họ.

Ngoài yếu tố lợi nhuận, nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước, các doanh nghiệp vận tải, lái xe cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình cao hơn nữa, các lái xe nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để cùng chung tay với các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông. Việc thực hiện quy định.

Dù có sự điều chỉnh như thế nào, yếu tố sức khỏe của lái xe và vấn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vẫn cần được ưu tiên hàng đầu (Ảnh nh họa: ChatGPT)

Ngoài ra, để quy định này triển khai và phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn, ngành giao thông cần chủ động xây dựng kế đào tạo, chuẩn bị nguồn cung lái xe cho các doanh nghiệp, nắm bắt các nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho tài xế, chủ phương tiện về ý thức chấp hành pháp luật và ứng dụng công nghệ trong giám sát thời gian làm việc; xây dựng hệ thống quản lý nội bộ nghiêm ngặt để bảo đảm tài xế không bị ép buộc làm việc quá thời gian cho phép và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, Nghị định 168  đã chính thức có hiệu lực. Điều này bắt buộc các lái xe, các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện. Những hành vi vi phạm, không tuân thủ sẽ bị xử lý để đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật.

Sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, nếu bộc lộ những vướng mắc, phát sinh, các doanh nghiệp vận tải, các Hiệp hội vận tải các địa phương có những văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, dù có sự điều chỉnh như thế nào, yếu tố sức khỏe của lái xe và vấn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Có như vậy, Việt Nam mới có thể từng bước hạn chế các vụ tai nạn giao thông và thực hiện những mục tiêu như đã cam kết trong Thập kỷ an toàn giao thông lần thứ 2.