Nhật ký phòng chống COVID-19 ngày 12/2: Những con người thầm lặng

Có người làm việc thầm lặng xuyên Tết, người bị cách ly cùng toàn bộ phi hành đoàn chở công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch, người không dám trở về nhà suốt những ngày chống dịch.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
WHO kêu gọi toàn các nước, các tổ chức nghiên cứu chia sẻ mẫu bệnh phẩm và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc điều trị cũng như vaccine phòng ngừa (Ảnh: TTXVN)

Cập nhật dịch virus corona trong nước và quốc tế

Tại hội nghị quốc tế phòng chống Covid-19 nCoV diễn ra trong ngày 11 và 12/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước, các tổ chức nghiên cứu chia sẻ mẫu bệnh phẩm và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc điều trị cũng như vaccine phòng ngừa và cho biết vaccine có thể sẵn sàng trong 18 tháng nữa. 

Theo Bộ Y tế, tính đến 17h00 ngày 12/2, trên thế giới đã có hơn 45.170 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid - 19 (nCoV). Trong số 1.115 người tử vong do Covid 19 trên toàn thế giới thì Trung Quốc đại lục là 1.113 người, còn Việt Nam có 15 người dương tính với virus, 07 người đã khỏi và xuất viện.

Thiệt hại của các hãng hàng không Việt Nam do dừng các đường bay đến Trung Quốc là hơn 10.000 tỉ đồng, theo thống kê ban đầu của Cục Hàng không Việt Nam.

Tính đến sáng 12/2, Thanh Hóa không còn bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid 19 tại cơ sở y tế.

Ông Li Ding được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc trong phòng cách ly đặc biệt (Ảnh: TTXVN)

17h30 chiều nay, bệnh nhân Li Ding một trong hai người Trung Quốc bị nhiễm Covid-19 (nCoV) điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM được xuất viện sau gần 3 tuần điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã âm tính với virus Covid-19 nCoV. Người con của ông cũng đã được điều trị khỏi từ ngày 4/2.

Tính đến ngày 12/2, đã có nhiều trường đại học ra thông báo cho sinh viên tiếp tục được nghỉ học thêm 1 tuần, đặc biệt có trường nghỉ đến hết ngày 1/3.

Còn tại TP.HCM, nhằm đón học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2, UBND thành phố yêu cầu Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác chuẩn bị, báo cáo trước ngày 14/2.

Sau Vietnam Airlines, Bamboo Airways đã thông báo sẽ thực hiện thay đổi thực đơn suất ăn và nước uống trên máy bay nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên các chuyến bay. 

Người dân khi đến chùa bắt buộc phải đeo khẩu trang. Đây là một trong những nội dung của công văn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành. Công văn cũng yêu cầu các chùa thực hiện nghiêm việc tạm dừng tổ chức các lễ hội, các khóa lễ, khóa tu tập trung đông người đến từ nhiều vùng, nhiều địa phương khác nhau.

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc thông báo tạm dừng bán vé đứng, trong nỗ lực nhằm giảm số lượng hành khách đi tàu trong thời điểm dịch bệnh bùng phát (Ảnh: AFP)

Ngày 12/2, Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận, có thêm 40 người bao gồm cả 1 nhân viên kiểm dịch, dương tính với virus Covid 19 NcoV chủng mới trên du thuyền Diamond Princess đang cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên du thuyền tới 175 người. Trên du thuyền này có  hơn 3.700 người. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, từ ngày 13/2, sẽ cấm nhập cảnh những hành khách đến từ tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan.

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc thông báo tạm dừng bán vé đứng, trong nỗ lực nhằm giảm số lượng hành khách đi tàu trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, cũng dừng việc bán các bữa ăn trên tàu và kêu gọi hành khách tránh di chuyển giữa những khoang tàu. Các biện pháp này được áp dụng đối với các đoàn tàu liên thành phố và tàu cao tốc trên cả nước. 

Tất cả những người trở về từ Vũ Hán sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc tại sân bay trước khi được đưa tới khu cách ly 14 ngày tại thành phố Icheon (Ảnh: Bloomberg)

Sáng 12/2, 5 trong số 140 hành khách trên chuyến bay thứ ba của Hàn Quốc trở về từ thành phố Vũ Hán sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Gimpo, phía tây thủ đô Seoul đã được đưa tới bệnh viện để cách ly và kiểm tra y tế do có triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới.

Ngân hàng lớn nhất của Singapore DBS phải sơ tán 300 nhân viên khỏi trụ sở chính và cho phép làm việc tại nhà sau khi một trường hợp dương tính với virus corona chủng mới trong tòa nhà. 

Chính phủ Nga cho biết một công dân Trung Quốc đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện ở vùng Chita, Siberia. Đây là trường hợp nhiễm virus corona chủng mới thứ hai tại Nga được xác nhận hồi phục, trường hợp đầu tiên cũng là một công dân Trung Quốc. 

Các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật vaccine phòng virus corona chủng mới. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, các thử nghiệm lâm sàng ở người có thể bắt đầu vào mùa hè này. Sau đó, một thử nghiệm giai đoạn hai trên con người sẽ được thực hiện, trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt. 

1 tập thể và 6 cá nhân đã được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu thành công, nuôi cấy và phân lập chủng mới Virus Corona

Sống chung với dịch 

Chiều 12/2, 1 tập thể và 6 cá nhân đã được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu thành công, nuôi cấy và phân lập chủng mới virus Corona. Cụ thể, tại Quyết định 359 của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định tặng bằng khen đối với Tập thể nhóm nghiên cứu nuôi cấy và phân lập chủng virus mới Corona thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.   

Cũng trong chiều 12/2, Đồn Biên phòng Thị Hoa, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cho biết, đơn vị vừa phát hiện, thu giữ 25 nghìn khẩu trang y tế đang được đối tượng dùng xe ba bánh vận chuyển trái phép sang Trung Quốc. Đồn Biên phòng Thị Hoa đã lập biên bản tịch thu phương tiện cùng khẩu trang y tế và bàn giao cho lực lượng chức năng huyện Hạ Lang (Cao Bằng) xử lý theo quy định của pháp luật.   

Mặc dù đang trong thời gian cách ly tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng 3 người Trung Quốc vừa quay lại Việt Nam đã tự ý rời đi và chuyển đến địa điểm khác. Trao đổi với phóng viên Bác sĩ Vũ Đức Diễn – Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật – Trung Tâm y tế Quận 12 cho biết, sau khi rời khỏi khu vực cách ly họ đã đến một địa điểm tại quận Bình Tân.    

“3 người này đang được giám sát cách ly tại Bình Tân rồi, lý do là do thuê nhà không được, cho nên họ buộc phải về nhà bạn của họ ở Bình Tân, cũng rất là phối hợp với mình, họ đến nơi đó rồi họ báo cho mình địa chỉ, rồi mình dựa vào địa chỉ đó mình báo cho nơi đến ở bên Bình Tân và bên Bình Tân cũng đã xác nhận là họ cũng đã giám sát những người này”.    

Bác sĩ Vũ Đức Diễn cho biết thêm, Trung tâm Y tế quận Bình Tân, Tp. HCM sẽ tiếp tục theo dõi và cách ly trong 14 ngày đối với 3 người Trung Quốc này theo đúng quy định.    

Vĩnh Phúc đề xuất học sinh nghỉ hết 23/2

Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất cho học sinh nghỉ học thêm một tuần, tức thời gian nghỉ đến 23/2. Việc Sở đề xuất là căn cứ vào tình hình dịch Covid-19, đó là khoảng thời gian ủ bệnh nên nếu học sinh bị nhiễm virus sẽ có các biểu hiện. Dự kiến cuối tuần này UBND Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có quyết định chính thức.

Thông tin từ Công an thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, từ ngày 10 đến 12/2 đơn vị này đã đã liên tiếp xác nh, xử lý 3 trường hợp về hành vi thông tin sai sự thật, kích động dư luận xã hội liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn. Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.

Trong khi đó, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cũng vừa ký 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 nghệ sĩ gồm Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng và Ngô Thanh Vân vì cung cấp thông tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 trên tài khoản Facebook, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội. Mức phạt cho mỗi người là 10 triệu đồng.  

Chữa bệnh cứu người và động viên bệnh nhân là trách nhiệm đương nhiên của người thầy thuốc (Ảnh: zing)

Những con người thầm lặng phòng chống dịch COVID-19

Có những thông tin ít người được biết trong quá trình theo dõi, cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (còn gọi là COVID-19). Bản thân các bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm phải “căng mình” nơi tuyến đầu chống lại dịch bệnh này. Có người làm việc thầm lặng xuyên Tết, người bị cách ly cùng toàn bộ phi hành đoàn chở công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch, người không dám trở về nhà suốt những ngày chống dịch. Ghi nhận của phóng viên Chu Đức về những cống hiến thầm lặng đó. 

“Chúng tôi trở về từ Vũ Hán, bị sốt lúc đầu cũng hoang mang, sốc. Nhưng khi điều trị tại đây, được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, tôi thấy yên tâm và rất vui mừng khi đã khỏi bệnh. Xin cảm ơn các y bác sĩ”.    

Vừa rồi là tâm sự của anh T.C.P, 30 tuổi, công nhân trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc), đã được chữa khỏi bệnh COVID-19, và được xuất viện hôm 10/2 vừa qua. Anh P. bày tỏ sự cảm kích với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong cơn hoảng loạn, bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, anh chỉ còn những người mặc blouse trắng để bầu bạn, sẻ chia.

Bác sĩ Bá Đình Thắng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong những người trực tiếp điều trị cho các ca nhiễm COVID-19 tâm sự, làm việc ở bên trong khu cách ly là nhiệm vụ hàng ngày và thường xuyên. Chữa bệnh cứu người và động viên bệnh nhân là trách nhiệm đương nhiên của người thầy thuốc:    

“Công việc của mình với các bạn điều dưỡng chủ yếu là hàng ngày thăm khám, đánh giá tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, ngay cả về dinh dưỡng, ăn uống của bệnh nhân trong giai đoạn bệnh nhân nằm tại khu cách ly. Công việc vốn nặng từ trước rồi, đợt này có thêm dịch nên bọn mình phải đảm nhận thêm công việc phân loại các nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ để cách ly hoặc cho ra viện”.    

Do là chuyên khoa điều trị các bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Thắng và đồng nghiệp cần đảm bảo các quy tắc nghiêm ngặt để giữ an toàn cho bản thân và người thân, như mặc đồ bảo hộ, vệ sinh tắm rửa rồi mới về nhà.    

"Thực ra bọn mình áp lực từ nhiều phía. Bác sĩ ở viện Nhiệt đới là cũng có nguy cơ, họ có một cái gì đấy hơi ngăn cách, giao tiếp cũng không được như mọi khi. Một là nguy cơ lây từ bệnh nhân, rồi lây từ mình cho người thân. Thứ hai là áp lực về xã hội. Mạng truyền thông phát triển, bất kể thông tin gì đều đưa lên mạng. Đưa tốt thì không sao nhưng hiện tại rất nhiều tin giả gây ra tình trạng dân lo lắng. Ngoài những bệnh nhân như này thì bọn mình vẫn phải tiếp nhận các bệnh nhân nặng khác, đan xen công việc với nhau nên nặng hơn bình thường".

Cũng trong tâm thế như vậy, điều dưỡng Ngô Đình Tú cho biết, anh sống trong bệnh viện từ… năm ngoái đến nay và đây cũng là lần đầu tiên làm nhiệm vụ trong một đợt dịch bệnh như thế này. Điều dưỡng Nguyễn Thị Dung còn bị bạn bè, hàng xóm ở khu trọ trêu chọc, khoanh vùng thuộc diện… bị cách ly. Còn Bác sĩ Nguyễn Viết Nam khẳng định, rất vững niềm tin khi làm việc ở tuyến đầu điều trị dịch bệnh.    

“Trực đêm thì cũng hơi vất vả một chút. Mặc bộ đồ bảo hộ thì cũng hơi bí bách, nóng nực ạ”.

“Người yêu thì em chưa có. Nhưng bạn bè em cũng có một chút khác biệt, cảm giác em hơi bị xa lánh. Hàng xóm dị nghị, em làm ở viện, nói là em bị dương tính rồi nên họ, chỉ cần em về khu trọ là họ đuổi em đi luôn, không cho ở đấy”.

“Bản thân em cũng không ngại. Mình làm ở viện truyền nhiễm thì đã xác định sẵn sàng tinh thần trước khi vào, ngoài COVID-19 còn có các bệnh khác như Sars, MersCoV, Ebola nữa. Đến bác sĩ còn hoang mang thì sao cứu chữa được cho người dân. Đa phần bác sĩ ở đây đều vững tin tinh thần”.

Những con người thầm lặng đã được công chúng ghi nhận, chính điều đó tiếp thêm nguồn động lực để họ tiếp tục công việc vì cộng đồng

Ngoài những tấm gương thầm lặng chống dịch COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, còn có những hình ảnh xúc động đoàn chuyên gia y tế hộ tống chuyến bay chở 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh; Còn đó nụ cười và bó hoa tươi thắm của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa khi tiễn những bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện; Và cả những nhà khoa học âm thầm tìm những hướng đi mới trong phòng thí nghiệm để giải mã virus Corona.

Những thông tin này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, tạo thêm niềm tin trong xã hội về nỗ lực, sự chuyên nghiệp và năng lực của ngành y trong việc khống chế dịch bệnh. Ở đó, những con người thầm lặng đã được công chúng ghi nhận, chính điều đó tiếp thêm nguồn động lực để họ tiếp tục công việc vì cộng đồng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa khẳng định, Bộ Y tế đang hỗ trợ, chi viện tối đa cho đội ngũ y tế tuyến điều trị, bằng nhiều hình thức khác nhau như khen thưởng, các cơ chế tài chính, đồ phòng hộ:    

“Đối với đội ngũ y bác sĩ đang căng mình tại bệnh viện để chiến đấu với dịch Corona, Bộ y tế  hoan nghênh, hướng dẫn động viện và đề nghị chính sách hỗ trợ cho anh em. Ví dụ như việc Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho các y bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị tại BV Chợ Rẫy chứ không khen chung chung".

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đội ngũ nhân viên y tế là yêu cầu hàng đầu trong chống dịch tại Việt Nam. Bởi dù làm việc thầm lặng, nhưng họ là mũi chủ lực trong phòng tuyến chống dịch COVID-19.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế

Góc chuyên gia: Cập nhật nghiên cứu tiến tới làm xét nghiệm nhanh chẩn đoán bệnh Covid-19

Ngành Y tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao trong việc chuẩn bị và sẵn sàng điều trị, khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona, còn gọi là COVID-19 (nCoV). Cụ thể vấn đề này sẽ được đề cập trong cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế ngay sau đây. 

PV: Virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19(nCoV) là chủng hoàn toàn mới trong họ virus Corona. Vậy Việt Nam đã tìm hiểu và cập nhật phác đồ điều trị với các bệnh nhân như thế nào?

GS.TS Nguyễn Thanh Long: Hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng để có phác đồ điều trị được liên tục cập nhật và sửa đổi. Phác đồ hiện nay của ngành y tế Việt Nam cũng tương xứng với những tiến bộ về mặt y học của các nước đã tiến hành điều trị bệnh này. Và có thể nói rằng, chúng ta đã điều trị thành công và chúng tôi hy vọng tới đây sẽ có nhiều ca xuất viện hơn nữa. Chúng tôi cập nhật thường xuyên tiến bộ y học của thế giới, nên chúng ta có thể yên tâm về vấn đề phác đồ điều trị.

PV: Còn vấn đề xét nghiệm để khẳng định và loại trừ ca nhiễm bệnh, thưa GS, hiện nay Việt Nam đã chủ động được chưa?

GS.TS Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi đã thiết lập 2 phòng thí nghiệm tương đương với labor của cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ). 2 phòng thí nghiệm này cũng được CDC Hoa Kỳ phối hợp hỗ trợ, để đủ khả năng làm xét nghiệm khẳng định. Và tới đây, khi Việt Nam sản xuất test thử trong nước, sẽ đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm COVID-19(nCoV) với quy mô lớn hơn. Chúng tôi cũng đang tiến hành tập huấn, đào tạo tất cả labor của một số địa phương có điều kiện, có khả năng, làm sao chúng ta thiết lập được một mạng lưới các phòng xét nghiệm kiểm soát tốt việc này.

PV: Được biết, các thông tin chính thống đều cho rằng, bệnh nhân nhiễm COVID-19(nCoV) sau khi được chữa khỏi sẽ có ễn dịch, không bị nhiễm trở lại như một số thông tin thất thiệt đưa. GS có thể khẳng định lại điều này?

GS.TS Nguyễn Thanh Long: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sau khi nhiễm virus Corona này, người nhiễm có ễn dịch. Và người nhiễm mà được chữa khỏi thì sẽ không tái nhiễm, đó là điều rất phấn khởi.

PV: GS có dự đoán nào về tình hình dịch COVID-19 (nCoV) tại Việt nam trong thời gian tới?

GS.TS Nguyễn Thanh Long: Tôi hy vọng là sẽ không có ca nào mắc mới. Chúng ta phải cố gắng hành động nhiều hơn, quyết liệt nhất, không thể dự đoán được bao nhiều ca. Tất cả kịch bản thì chúng ta đã đưa ra đến mức nào thì chúng ta ứng phó ra sao rồi. Chúng ta hiện nay tập trung ở nội địa, ngăn, cách ly, kiểm soát triệt để ở trong nước với các ca nghi ngờ. Việc này, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cấp ủy các cấp, chúng ta mới hy vọng kiểm soát được dịch bệnh.

PV: Cảm ơn GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ với VOV Giao thông./