'Nhân nhựa' - cùng giới trẻ hướng tới cuộc sống xanh

Là một nhân vật xuất hiện từ tương lai, lai giữa người và nhựa với thông điệp “nếu con người tiếp tục sử dụng nhựa vô độ như vậy, thì tương lai sẽ biến thành Nhân Nhựa”.

Theo thống kê, mỗi người Sài Gòn xả thải ra kênh rạch sông ngòi từ 350g đến 7,2kg rác nhựa mỗi năm; ngoài ra cứ 10 vật dụng nhựa trôi nổi trên sông Sài Gòn thì có đến 8 sản phẩm nhựa dùng 1 lần như túi nylon, ống hút nhựa, ly nhựa...

Đây là những thông tin được đề cập trong dự án mang tên “Nhân Nhựa” do Trung tâm hành động và liên kết vì Môi trường và phát triển (CHANGE) phối hợp với Đại sứ quán Pháp thực hiện.

Poster của chiến dịch “Nhân Nhựa”. (Ảnh: CHANGE)

“Nhân Nhựa” là một chiến dịch truyền thông hướng tới giảm rác thải nhựa dựa trên kiến thức khoa học do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp thực hiện

Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi với bạn Thới Thị Châu Nhi - giám đốc điều hành CHANGE và là giám sát dự án Nhân Nhựa.

PV: Vì sao mà “Nhân nhựa” ra đời và thông điệp mà chúng ta hướng tới qua dự án này là gì?

Thới Thị Châu Nhi: Dự án này là một cơ duyên mà bọn mình kết hợp với Đại sứ quán Pháp với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là giới trẻ về ảnh hưởng của rác thải nhựa.

Cơ sở của dự án này dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học do các tổ chức thực hiện dưới sự tài trợ của Bộ ngoại giao Pháp. Các nghiên cứu này tập trung vào ô nhiễm nhựa trong môi trường nước đặc biệt là trên sông Sài Gòn và 8 con sông khác các tỉnh thành ở Việt Nam.

Nghiên cứu này cho thấy vi nhựa đã xuất hiện ở tất cả các dòng sông, đặc biệt là sông Sài Gòn đã bị ô nhiệm vi nhựa rất cao. Tuy vậy các thông tin khoa học kiểu này thường rất khô khan nên tụi mình tìm cách làm sao để lôi cuốn mọi người vào chủ đề này nhiều nhất.

Đó là lý do mà CHANGE thực hiện “Nhân Nhựa”. 

Nhân Nhựa là một nhân vật xuất hiện từ tương lai, lai giữa người và nhựa với thông điệp “nếu con người tiếp tục sử dụng nhựa vô độ như vậy thì tương lai sẽ biến thành nhân nhựa”. 

PV: Vì sao chúng ta lại hướng đến nhóm đối tượng là giới trẻ mà không phải là các nhóm đối tượng khác?

Thới Thị Châu Nhi: Giới trẻ là nhóm đối tượng dễ tác động nhất vì họ còn trẻ, khá năng động và chịu khó tìm tòi cũng như có khả năng tiếp nhận thông tin nhanh.

Ngoài ra cái khả năng thay đổi của họ cũng lớn. Đặc biệt giới trẻ sẽ là những người chủ nhà hàng khách sạn, doanh nghiệp trong tương lai và họ có quyền thay đổi các chủ trương chính sách trong doanh nghiệp của họ.

Và nếu từ bây giờ họ có nhận thức tốt hơn về môi trường thì sau này họ sẽ đưa các chính sách vào doanh nghiệp của họ. Họ chính là niềm hi vọng làm cho môi trường và đất nước mình tốt đẹp hơn. 

PV: Xin cám ơn bạn!

“Nhân Nhựa” đã chỉ ra rằng rác thải từ nhựa đã đang và sẽ là nguy cơ không nhỏ đối với đời sống của các loài sinh vật cũng như con người nếu như chúng ta vẫn sử dụng nhựa vô độ như hiện nay.

Hãy điều chỉnh những thói quen nhỏ để hướng đến những lợi ích bền vững hơn.