Nhân chuyện đốt vàng mã

Có người bảo đốt vàng mã là việc làm vô ích, có hại, có người bảo là vô bổ, là tư duy tiêu cực, là sai lầm… Có lẽ, câu chuyện này sẽ không bao giờ có hồi kết, và dù thế nào, tục đốt vàng mã đã, đang và vẫn sẽ còn tồn tại lâu trong thực hành tín ngưỡng của người Việt...

Theo một vài tài liệu cũ ghi lại, thì tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc. Ban đầu, người Trung Quốc xưa có tục chôn các đồ dùng hằng ngày theo người đã khuất, từ quần áo, vàng bạc, châu báu…

Về chuyện này, trên trang chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có chép lại theo lời của Hòa thượng Tố Liên cách nay hơn 50 năm. Như một lời khẳng định, Phật giáo chưa bao giờ dạy Phật tử việc đốt vàng mã cả.

Quay trở lại tục đốt vàng mã vào những ngày lễ tết, giỗ chạp, xá tội vong nhân hay bất cứ một ngày rằm, mồng một nào của người Việt, có thể hiểu rằng, lớp người sau cứ thế mà đi theo việc làm của người trước.

Nhưng dù sao, việc đốt vàng mã, cũng một phần nào đó mang lại tác dụng “an ủi" cho người đang sống, mang lại suy nghĩ không phải đắc tội với người đã khuất.

 

Người Việt có tục đốt vàng mã trong những ngày lễ tết

 

Nhưng chỉ có điều nhiều người làm lố quá. Bữa ngày rằm tháng Giêng vừa rồi, có người chia sẻ trên mạng một đoạn clip ghi lại cảnh người ta đốt vàng mã ở một ngôi chùa nào đó.

Có hàng tấn, vâng, đúng là có hàng tấn vàng mã người ta đóng trong từng bao tải, xếp đầy sân chùa và phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể đốt hết được số vàng mã ấy.

Thậm chí có người còn ngủ gục bên những bao tải vàng mã vì thời gian chờ đợi quá lâu…

Điều đáng nói là ở ngôi chùa ấy, còn xây một cái lò hóa vàng khổng lồ, to bằng cả cái nhà để phục vụ việc đốt vàng mã. Vậy có phải Đức Phật dạy một đằng, nhưng hậu thế lại làm một nẻo? Việc làm sai giáo huấn như vậy liệu có phải là chuyện “báng bổ” với tiền nhân?

Mà bây giờ, chùa nào cũng phải xây vài ba cái lò hóa vàng như vậy, hay để làm chiều lòng những Phật tử mà quên đi cái điều cốt lõi của nhà Phật? – Tu tại tâm!

Một chút còn mang lại ít nhiều ý nghĩa, nhưng nhiều quá thì chưa chắc đã thể hiện lòng thành (ảnh nh họa)

Tất nhiên, sẽ có người nói, việc của người ta, muốn làm gì thì làm, có ảnh hưởng đến ai đâu mà ý kiến? Người ta có điều kiện về tài chính muốn người thân đã khuất của mình nhận được nhiều đồ cúng tế nhất có thể để mà dùng dưới cõi âm.

Thế nhưng, liệu có dùng hết được không nhỉ? Cha mẹ già khi còn sống đến bữa cũng chỉ nửa bát cơm, mùa rét cùng lắm vài ba bộ quần áo ấm, đôi giày, cái khăn, cái mũ… giàu nghèo cũng vậy cả thôi. Cùng lắm cái áo người giàu dùng giá trị gấp trăm gấp ngàn lần kẻ nghèo, thì cũng chỉ mặc được một bộ… chứ có mặc một lúc được cả tấn áo mà con cháu nó “thành tâm” đốt xuống đâu? Người già, đâu có nhu cầu nhiều đến thế?

Lúc còn sống, hãy quan tâm chăm sóc nhau để đến khi âm dương cách biệt đừng áy náy mà phải làm những việc ồn ào như thế…

Người viết cũng đã cố gắng tìm hiểu trong sách, tài liệu lịch sử về văn hóa của người Việt từ trước tới nay, do những nhà sử học tên tuổi ghi lại, mà không thấy (hoặc có lẽ chưa đọc hết được (?)) có ghi chép nào về tục đốt vàng mã...

Thỉnh thoảng, báo đài lại đưa tin có nhà bị cháy vì thắp hương hay đốt vàng mã nhiều quá…