Cùng với đó là gói hỗ trợ tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suât 8,2% được kỳ vọng sẽ giúp nhiều người được “an cư lạc nghiệp”. Liên quan đến nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.
PV: Về mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp đô thị mà Chính phủ vừa ban hành giai đoạn tới, từ góc độ cá nhânn ôg nhận định như thế nào về mục tiêu này?
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương: Tôi cho rằng đây là mục tiêu mang tính nhân văn rất cao của Chính phủ và các bên liên quan để thực hiện chủ trương an cư lạc nghiệp cho người dân. Đây không chỉ là nỗ lực của Chính phủ mà của cả các bên khác như các chủ đầu tư phát triển dự án, các nhà thầu và cả người dân.
Cũng cần làm rõ là nhà ở xã hội là trách nhiệm của Chính phủ và không liên quan gì đến việc thị trường bất động sản gặp khó khăn hay không. Do vậy, dù trong bất kỳ bối cảnh nào thì người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội đều cần.
Theo tôi thì chúng ta phải tích cực tháo gỡ những khó khăn mà thị trường nhà ở thương mại đang gặp phải như vấn đề về vốn, pháp lý và quỹ đất. Câu hỏi đặt ra là liệu cái mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội có gặp phải những vướng mắc này hay không thì cần phải làm rõ.
Nếu đặt mục tiêu mà vẫn vướng những bất cập như nhà ở thương mại thì cũng lại tiếp tục rơi vào khó khăn chung.
PV: Như ông vừa đề cập về gói hỗ trợ tín dụng trị giá 120.000 tỷ được Chính phủ phê duyệt cho chương trình 1 triệu căn nhà ở giá rẻ, cụ thể hơn là mức lãi suất vừa được Ngân hàng nhà nước xác định là 8,2%. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng mức lãi suất này chưa thực sự phù hợp và hoàn toàn có thể là rào cản khiến người dân có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Ông nhận định ra sao về ý kiến này?
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương: Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn khi đề cập đến mức lãi suất 8,2%. Đầu tiên cần xem xét khả năng của người mua nhà, cụ thể là mức thu nhập và khả năng chi trả của họ. Thông thường ở các nước trên thế giới, người dân thu nhập 10 đồng thì họ sẽ giữ lại khoảng 4 50% để chi tiêu, phần còn lại dùng để trả góp mua nhà hàng tháng.
Ở Việt Nam, ví dụ lương công nhân, người thu nhập thấp hàng tháng khoảng 7 đến 8 triệu thì họ chỉ có thể chi 50% thu nhập để trả gốc lãi nếu mua nhà. Câu hỏi là nếu họ mua 1 căn nhà trị giá 1 tỷ, vay 70% thì chừng đó có đủ khả năng để họ chi trả với mức lãi suất 8,2% không? Thứ hai là các tổ chức tín dụng tham gia chương trình này hầu hết là ngân hàng chính sách hoặc các ngân hàng có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Còn từ góc độ ngân hàng thương mại thì họ phải có lợi nhuận biên ít nhất đủ để duy trì vận hành.
Thứ 3 là vì sao chúng ta không tính đến các công cụ khác ngoài vấn đề lãi suất? Tại sao chúng ta không chủ động đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án để tối ưu chi phí, giúp cho giá nhà rẻ hơn hoặc sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý cho các doanh nghiệp phát triển dự án tạo ra các sản phẩm giá tốt? Hiện nay chúng ta đang quy tất cả về cho ngân hàng và tôi nghĩ rằng công cụ này chưa đủ. Dù có giảm về mức 4 5% đi nữa thì cũng sẽ tiếp tục xảy ra tranh luận nhiều hay ít.
Theo tôi thì chúng ta cần dùng nhiều công cụ khác nhau của các bên liên quan để cùng giải quyết chứ nếu cứ dùng các công cụ riêng lẻ cho việc vận hành 1 đô thị hay vận hành 1 giải pháp nào đó thì rất khó để hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn hộ đến năm 2030.
PV: Mặc dù Chính phủ cho thấy quyết tâm lớn cho mục tiêu này, tuy nhiên như nhận định của Ông thì vẫn còn quá nhiều rào cản. Thực tế tại TPHCM cho thấy rất nhiều dự án nhà ở xã hội giá thấp cho công nhân, người thu nhập thấp đã khởi công nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Tiến độ như vậy là quá chậm, khó có thể đáp ứng được nhu cầu, cho dù lãi suất có về 4 5% mà không có nhà thì nói cũng như không. Theo ông thì các bên liên quan cần có động thái rõ ràng, cụ thể như thế nào để câu chuyện nhà ở không còn quá xa vời?
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có người đứng mũi chịu sào và họ có quyền quyết định trong việc thực hiện mục tiêu này. Họ phải có đủ quyền lực để chỉ đạo, giám sát việc thực hiện, nếu không làm được thì thay.
Người dân thì chờ nhà ở xã hội, nhà giá rẻ như nắng hạn chờ mưa mà chúng ta cứ bàn hoài thì không xong. Người đã nghèo lại càng nghèo, người không có nhà lại tiếp tục không có nhà từ đời này qua đời nọ.
Tôi cho rằng việc này Chính phủ và thành phố cần chọn mặt gửi vàng để giao cho họ làm chứ nếu không dứt khoát thì câu chuyện nhà ở đô thị tại TPHCM, Hà Nội sẽ tiếp tục xa vời với người thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội.
PV: Xin cám ơn ông!