Nguy cơ cháy nổ vì hành vi đốt rác, rơm rạ

Hiện nay, việc đốt rác sinh hoạt, rơm rạ ngoài trời... đang là vấn đề khiến nhiều người lo lắng và bức xúc. Bởi không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng và nguy cơ cháy nổ, tai nạn giao thông.

Như đã thành thông lệ, khi thu hoạch lúa xong, người dân liền đốt rơm rạ ngay tại trên ruộng hoặc ở hai ven đường
 

Vào thời điểm sau vụ thu hoạch, khi tham gia giao thông ở các tuyến đường quốc lộ, vành đai hay khu vực ngoại thành, không khó để bắt gặp hình ảnh những đám rơm rạ được người dân đốt ven đường cùng khói đen bốc lên cuồn cuộn. Khi được hỏi về lý do phải đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, một số người dân chia sẻ như sau:

- Thu hoạch mỗi mùa xong thì lại đi đốt 1 ít thế này để lấy tro trồng màu, khoai tây khoai lang.

- Không muốn đốt đâu nhưng mà chỉ vì bắt buộc mình phải đi đốt một ít để mà về trồng màu, chứ để đấy cũng phí.

- Người ta cũng không đem về cho trâu bò mấy đâu nên chủ yếu là để đốt. Đốt lấy tro để bỏ ruộng nên cứ ngày mùa là ngày nào cũng đốt.

Việc đốt rơm rạ hầu như đã thành thông lệ, khi thu hoạch lúa xong, người dân liền đốt rơm rạ ngay tại trên ruộng hoặc ở hai ven đường mà không quan tâm đến những nguy cơ cháy lan, gây thiệt hại cho những người xung quanh. Thực tế, trên cả nước, hàng năm đều xảy ra vài vụ cháy rừng, cháy nhà… gây thiệt hại lớn về tài sản do đốt cỏ, đốt rơm, rác…

Đánh giá về những nguy cơ này, Đại úy Tô Việt Linh – Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: Người nông dân vùng nông thôn, cũng như ngoại thành khi thu nông sản, dọn dẹp vườn tược, trang trại, nhất là khi thu hoạch vụ lúa, thu gom rác rơm rạ để đốt ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Nếu đốt không đảm bảo khoảng cách an toàn đến các đường giao thông, sẽ gây cản trở tầm nhìn của người lái xe, đặc biệt là công tác PCCC. Nếu mà người dân không có ý thức không có biện pháp phòng ngừa tốt, có thể dẫn đến cháy lan vào các cơ sở cũng như khu dân cư thì thiệt hại chúng ta không thể lường trước được.

Nghị định 167/2013/NÐ-CP quy định rõ hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt 1-2 triệu đồng; ngoài ra, còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít trường hợp bị xử lý.

Theo Đại tá Nguyễn Hải Triều – Phó trưởng Công an Huyện Mỹ Đức, để hạn chế tối đa hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch của bà con nông dân, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng những tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe, tính mạng và tài sản của con người. Trong đó, chú trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định về PCCC với phương châm “phòng là chính”:

"Để giảm thiểu đến mức thấp nhất không để xảy ra các vụ cháy nổ liên quan đến việc đốt rơm rạ, rác ở vùng nông thôn, chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo quần chúng nhân dân về những kiến thức PCCC, khi đốt rơm rạ phải gom vào các khu vực đảm bảo khoảng cách an toàn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của giao thông. Thứ hai, nếu trường hợp phải đốt, ta phải gom đảm bảo khoảng cách an toàn, trong quá trình đốt cử người trông con khi đốt hết được ra về", Đại tá Nguyễn Hải Triều cho biết

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp, hướng người dân sử dụng, tận dụng để rơm rạ sẽ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác. Qua đó, hạn chế thói quen đốt cỏ rác, rơm rạ sau vụ thu hoạch vừa tránh ô nhiễm môi trường và cũng  đảm bảo an toàn PCCC cũng như an toàn giao thông./.