Ngõ Tạm Thương, nơi tình yêu bắt đầu

Ngõ Tạm Thương, ngày trước còn gắn với câu vè: Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương. Ý rằng, con gái ở đây ghê gớm, gắn với chuyện quản lý, cân đo thóc ở kho Trạm Thương. Nhưng có lẽ không hẳn thế. Giống như những người sống lâu năm ở phố cổ Hà Nội, người Tạm Thương cũng hiền hòa, giản dị, sống dễ chịu…

Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải Tạm Thương...
                                                   (Chế Lan Viên)

Không biết từ khi nào, ngõ Tạm Thương lại được người ta gọi là "ngõ ẩm thực"? Có lẽ bởi bây giờ, con ngõ này khá nổi tiếng với việc kinh doanh món ăn khoái khẩu của giới trẻ: Nem chua rán... Theo nhu cầu và việc thu hút khách hơn thì những hàng ở đây còn phục vụ thêm những món nướng, rán khác như khoai tây chiên, xúc xích, thịt nướng... Nhưng khởi điểm vẫn là món nem chua rán làm chủ đạo.

Chính vì món ăn bình dân này, mà ngõ Tạm Thương thu hút được các bạn trẻ đang tuổi hẹn hò đến đây mỗi khi nghĩ đến một điểm hẹn hò, vừa có thể ngồi tán chuyện lâu lâu, vừa có món gì đó nhấm nháp, lại được ở trong một không gian yên tĩnh đậm chất phố cổ. 

Thế nên, con ngõ nhỏ, với cái tên lạ lùng: Tạm Thương, nhưng lại có vẻ như là nơi khởi đầu cho sự gắn bó của những cặp đôi tuổi trẻ... 

Nhưng kỳ thực, ở ngõ Tạm Thương trước đây, chắc có lẽ chỉ khoảng 20 năm đổ về trước, không có mấy nhà kinh doanh món ăn khoái khẩu của tuổi trẻ, là món nem chua rán, và cũng chẳng mấy thu hút giới trẻ như bây giờ.

Ở đầu ngõ chỉ có duy nhất một quán rượu ngâm thuốc, với chiếc biển treo cũ kỹ phủ đầy bụi thời gian, và cũng không dễ nhìn, nơi tụ tập của mấy người bạn già phố cổ mỗi chiều đến hàn huyên tâm sự.

Những món "nhậu" không nhiều và đa dạng như của tuổi trẻ, chỉ một gói lạc, hay vài ếng đậu rán, thêm điếu thuốc lào, và món chính là chén rượu thuốc. Những người khách quen không gọi cả chai rượu, chỉ gọi từng chén. Mà cũng không uống nhiều. Họ uống nhâm nhi như muốn kéo dài thời gian ngồi với bạn bè là chính.

Chủ quán cũng chỉ có nhu cầu phục vụ rất ít người, và có vẻ, cũng không ham kiếm tiền. Mở quán, như một cách để làm chỗ giao lưu với bạn bè, hàng xóm, những người đã sống ở đây cả đời và cũng làm bạn với nhau từ khi tóc còn xanh...

Quán rượu nhỏ đầu ngõ Tạm Thương, nơi gặp gỡ của những người bạn lâu năm phố cổ
Qua nhiều năm, không gian bên trong quán vẫn như thế, với cách bài trí đơn giản và và những bức tường cũ kỹ...
Nhưng lại chính là không gian thu hút, và gần gũi với những người khách quen thuộc và trung thành
Ngõ Tạm Thương chỉ rộng khoảng 5-7m và dài hơn 100m, mặt phía nam mở ra phố Hàng Bông, nối với phố Yên Thái. Khoảng đầu thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, cho dựng ở đây một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho tạm. Vì vậy người ta thường gọi là ngõ Trạm Thương, tức là kho chứa tạm. Sau gọi chệch là Tạm Thương.
Vài tháng trước, cả con ngõ được lát lại đá, sạch sẽ và đẹp hơn, phù hợp với không gian phố cổ, phố di bộ... Cũng giống như đặc thù của các con ngõ "mở" ở phố cổ, ngõ Tạm Thương thông từ phố Hàng Bông sang phố chợ Yên Thái, xe đạp, xe máy và người đi bộ đều có thể dễ dàng đi qua ngõ này. Tất nhiên là không dành cho ô tô. Ban ngày, ngõ khá vắng vẻ. Du khách nước ngoài cũng rất thích đi ngắm con phố này, ngắm cuộc sống rất bình dị của những cư dân ở đây, với những góc không gian cũ đặc trưng phố cổ
Một căn biệt thự cũ giữa ngõ Tạm Thương với cầu thang vẫn giữ nguyên bản. Bên trong là nhiều hộ dân sinh sống
---
Không gian cũng giống như đặc trưng phố cổ Hà Nội, khá chật hẹp và thiếu ánh sáng
Một góc khoảng trời nơi những cư dân ở đây sinh sống, với những ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn dấu ấn thời gian...
---

 

---
---
Giữa ngõ là Đình Yên Thái. Điểm nhấn và cũng là nơi chuyển tiếp từ ngõ Tạm Thương sang Phố Yên Thái, mà thực chất trước kia cũng được gọi là ngõ Yên Thái.
Không gian sống ở đây giống như một làng quê thu nhỏ, có cây đa, đình làng, giếng nước...
Lối sống, sinh hoạt đặc trưng và bình dị của người phố cổ
===
Dù là ban đêm hay ban ngày, dù thu hút khá nhiều bạn trẻ tới đây thưởng thức ẩm thực, nhưng không gian ngõ Tạm Thương luôn giữ được sự yên tĩnh, dễ chịu
Ngõ Tạm Thương, ngày trước còn gắn với câu vè: Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương. Ý rằng, con gái ở đây ghê gớm, gắn với chuyện quản lý, cân đo thóc ở kho Trạm Thương. Nhưng có lẽ cũng không hẳn thế. Giống như những người sống lâu năm ở phố cổ Hà Nội, người Tạm Thương cũng hiền hòa, giản dị, sống dễ chịu và hài lòng với cách sống của mình...
Bây giờ, ngõ Tạm Thương đã trở thành ngõ ẩm thực nổi tiếng, thu hút giới trẻ Thủ đô
Cứ tối đến là cả con ngõ trở nên đông vui náo nhiệt với những gương mặt trẻ trung tụ tập thưởng thức món quà của con ngõ
Những người dân kinh doanh ở ngõ cũng rất ý thức, không lấn chiếm quá nhiều không gian ngõ, việc kinh doanh không làm ảnh hưởng tới giao thông đi lại của con ngõ này
Ngõ Tạm Thương cũng một phần nổi tiếng vì những câu thơ của Chế Lan Viên: Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/Thương một đời đâu phải Tạm Thương...