Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi vớ kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
PV: Thưa ông, bên cạnh yếu tố về thời tiết thì đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc Tp. Hà Giang bị ngập lụt nghiêm trọng những ngày qua?
KTS Ngô Doãn Đức: Sự việc ở Hà Giang vừa qua làm chúng ta rất ngạc nhiên. Các đô thị vùng cao thì việc thoát nước thuận lợi hơn so với đồng bằng. Ở đây là liên quan đến hạ tầng đô thị đang phát triển.
Phố phường chật ních, đặc biệt là hệ thống thoát nước không tốt. Bài tính đó đã trượt so với thực tế. Những nguy cơ, bất thường của khí hậu không được tính đến một cách triệt để.
Chúng ta đang tiện thể quy hoạch, cứ thấy trống vắng, thấy tiện, đỡ bị tốn phí đầu tư hạ tầng là xây cất. Hà Giang là vùng núi, có điểm trũng, có thung lũng, có chỗ thấp để thải nước đi khắp nơi, để thoát nước ra thì chúng ta lại xây dựng ở địa bàn trũng.
Các nước người ta không làm thế. Kuala Lumpur để lại các đồi gò và những mặt nước rất tốt. Người ta xây dựng lượn theo địa hình lên cao. Hạ tầng được tính toán rất kỹ lưỡng, và tính toán cho cả trăm năm chứ không phải chục năm.
PV: Vậy đâu là giải pháp bền vững để tránh tái diễn tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa lớn tại các đô thị vùng cao hiện nay, thưa ông?
KTS Ngô Doãn Đức: Qua lần này, phải cập nhật quy hoạch lên, không còn cách nào khác vì nhà cửa xây dựng như vậy rồi.
Trên các con đường phải khơi lên, đặt cống ngầm rất lớn như ở Paris. Ở Paris người ta làm cống ngầm đi được cả ô tô ở dưới để dọn rác. Có như thế mới kiểm soát được.
Vì vậy, phải chăng Hà Giang sau sự việc này thì với những con đường huyết mạch, ta làm những cống ngầm bự. Không tắc là 1, 2 là phải đủ lớn, để dòng nước cuồn cuộn cuốn xuống cống ngầm này là sẽ giúp mặt phố an toàn hơn, còn đầu dẫn ra đặt ở chỗ thấp hơn.
Như vậy ta sẽ khắc phục tốt hơn, và có như vậy thì mới bền vững được.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
---
Mời quý vị và các bạn cùng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 24/7 tại đây: