Ngăn ngừa bạo hành trẻ em, cần làm nhiều hơn nói

Việc bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo hành, xâm hại cần phải được xem là nhiệm vụ chung của toàn xã hội thay vì của một vài tổ chức hay cá nhân nào đó.

 

Trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa đến các cơ sở bảo trợ công lập. Ảnh: CAND

Kể từ khi những thông tin đầu tiên của vụ bạo hành trẻ em kinh hoàng tại mái ấm Hoa Hồng được công khai, cảm xúc phẫn nộ trước những hành vi vô nhân tính vẫn in hằn trong tâm khảm của không ít người. Bên cạnh đó là sự hoang mang, bức xúc khi những hành vi mạo danh nhân đạo, xâm hại quyền trẻ em tồn tại suốt thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý.

Hơn 80 trẻ nhỏ tại mái ấm Hoa Hồng đã được ứng cứu khẩn cấp và chuyển về các cơ sở bảo trợ công lập; các cá nhân tổ chức vi phạm đã và đang được điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là các bên liên quan sẽ làm gì để những vụ việc tương tự không còn diễn ra trong tương lai.

Thời gian qua, dù các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc nói không với bạo hành trẻ em như thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin trên phạm vi toàn quốc (Tổng đài 111); đẩy mạnh tuyên truyền, tham vấn nâng cao nhận thức về quyền trẻ em hay những tác hại của bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ tại nhà trường, cộng đồng…song các vi phạm nghiêm trọng của mái ấm Hoa Hồng một lần nữa cho thấy vẫn còn quá nhiều thứ phải làm nếu muốn trẻ được an toàn.

Việc bước đầu thừa nhận và xác định những lỗ hổng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có thể được xem là điểm tích cực. Tuy vậy, việc đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, thanh tra hoạt động của các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em là cần thiết để kịp thời phát hiện các sai phạm, nâng cao chất lượng chăm sóc, đảm bảo tốt các quyền của trẻ.

Về lâu dài, cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa nhân lực, vật lực để chuẩn hoá hoạt động, chất lượng của các cơ sở chăm sóc, bảo trợ. Song song đó cần đảm bảo thực thi nghiêm túc Luật trẻ em năm 2017 bằng những chương trình chi tiết và được lượng hoá bằng hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở lời nói.

Ở 1 quốc gia mà gần 70% trẻ em từ 1-14 tuổi đã từng bị bạo hành bởi chính những người trực tiếp chăm sóc thì bạo hành trẻ em sẽ còn nhiều nguy cơ xảy ra dưới danh nghĩa dạy dỗ. Do vậy, việc bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo hành, xâm hại cần phải được xem là nhiệm vụ chung của toàn xã hội thay vì của một vài tổ chức hay cá nhân nào đó.