Ngắm cầu Long Biên "rệu rã" trước khi được sửa chữa, tôn tạo

Sau hơn 120 năm, cầu Long Biên (Hà Nội) hiện đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Chính vì vậy, từ giữa tháng 10/2024, các chuyên gia Pháp đã tới Việt Nam để hỗ trợ nghiên cứu tu sửa cây cầu này.

Trải qua 122 năm khai thác sử dụng, đến nay, cầu Long Biên đã trở nên xuống cấp với nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng nề. Nhằm hỗ trợ công tác sửa chữa, tôn tạo, từ giữa tháng 10/2024, các chuyên gia của công ty tư vấn, kỹ thuật Pháp Artelia đã tới Việt Nam để làm việc với các bên liên quan và khảo sát sơ bộ cầu Long Biên.
Trước đó, Chính phủ Pháp quyết định cấp cho thành phố Hà Nội khoản tài trợ không hoàn lại hơn 700.000 euro (hơn 19 tỷ đồng) để nghiên cứu phương án nhằm cải tạo di sản Thủ đô cầu Long Biên.
Tổng thể cầu Long Biên bị xuống cấp về kết cấu với nhiều hạng mục hư hỏng cần phải thay thế đã gây ảnh hưởng và hạn chế các phương tiện lưu thông qua cầu.
Dù vậy nhưng hằng ngày cây cầu vẫn phải oằn mình “gồng gánh” một lượng phương tiện khổng lồ. Bởi cầu Long Biên là cây cầu kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với mạng lưới đường sắt quốc gia.
Hiện nay do cầu yếu, chỉ tàu hỏa, xe máy, xe đạp được qua cầu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu chỉ 15 km/h.
Hai bên cầu, mặt đường dành cho xe máy và xe đạp trồi sụt, không bằng phẳng, xuất hiện nhiều “ổ gà” gây mất an toàn giao thông
---
Những mảng vỡ, lỗ hổng lớn cùng các vết nứt dài trên mặt đường nhựa được gia cố bằng các tấm kim loại nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển qua cầu
Chị Hoàng Thị Mơ (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Cầu xuống cấp nên đi rất xóc, bề mặt cầu thì rung lắc. Đặc biệt là khi có tàu đi qua hoặc khi trên cầu có nhiều phương tiện di chuyển thì cầu còn rung lắc dữ dội hơn”.
Phần lớn giàn thép của cầu Long Biên đều bị hoen gỉ. Trong đó có một số dàn thép đã bị cong vênh, hao mòn tiết diện gây ảnh hưởng đến kết cấu dầm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Khung thép bị rỉ sét, ăn mòn nghiêm trọng.
Một giàn thép chiều nội thành Hà Nội sang Long Biên đã xuống cấp nặng nề, giữa hai cột đỡ các thanh giằng phải dùng thanh gỗ để buộc chặt các cột đỡ này với nhau.
Nhiều thanh gỗ được sử dụng làm gối đường ray đã bị nứt vỡ, phải sử dụng dây thép buộc chặt để hạn chế các vết nứt lan rộng.
Hệ thống lan can đã có nhiều đoạn bị hỏng hóc, cong vênh, “chỗ còn chỗ mất”.
---
Các thanh sắt được sử dụng để gia cố những đoạn lan can ngả ra phía sông nhằm giữ cho chúng không bị đổ.
Thành bê tông bị nứt vỡ nghiêm trọng, lộ cả cốt thép bên trong.
Một số vị trí trên cầu, thành bê tông gần như “biến mất” hoàn toàn.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Pháp tài trợ sẽ chia làm ba hợp phần. Hợp phần một khảo sát chi tiết tổng thể công trình, thu thập dữ liệu để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian ngắn hạn. Hợp phần hai kiểm định các kết cấu công trình để đề xuất phương án, giải pháp cải tạo phù hợp. Hợp phần ba là nghiên cứu các công năng sử dụng công trình trong tương lai khi hình thành mạng lưới đường sắt thay thế tuyến đường sắt Bắc Nam hiện tại. Toàn dự án sẽ kết thúc vào khoảng tháng 8/2025.

Cầu Long Biên được xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Cầu dàn thép dài 1691,15m gồm 19 nhịp (chiều dài nhịp từ 51,2 đến 130m).

Sau hơn 120 năm khai thác, sử dụng và trải qua hai cuộc chiến tranh, cầu Long Biên đã bị xuống cấp, chỉ còn lại 9 nhịp ở phía Hà Nội và 3.5 nhịp phía Gia Lâm giữ được kiểu dáng cũ, các nhịp khác do bị đánh phá đã được thay thế bởi nhịp dầm kiểu dáng khác.

Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng. Năm 2015, cầu được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn chưa được thực hiện.