Xóm trọ Trang Nghiêm, nằm cặp QL91, đoạn qua phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ có hơn 10 phòng đang cho thuê kín chỗ. Phần lớn người thuê là hộ gia đình nhỏ, ở tạm để đi làm công nhân tại KCN Trà Nóc. Chị Nguyễn Ngọc Mai, người thuê trọ tại đây cho biết, cả xóm đều là công nhân, nhưng chỉ có 2 hộ có con. Con gái của chị năm nay 10 tuổi, nhiều lần bé “tâm sự” với mẹ rằng, mình muốn có em để “có chị có em”.
Nhưng chị Mai đã quá 45 tuổi nên ngán ngại có thai lần 2 vì sức khỏe kém và phần vì kinh tế chưa khá, chưa có nhà riêng: “Hồi đó hai vợ chồng mới cưới rồi lên TP.HCM sống, một người đi làm còn một người đi học nghề. Lúc đó sinh con sớm thấy hơi cực. Sau đó vợ chồng dắt nhau về quê, về quê càng thấy khó khăn hơn lúc sống ở thành phố nên hai vợ chồng quyết định sinh một bé thôi. Thời buổi bây giờ sinh hai cháu thấy khó quá”.
Khá giả hơn, chị Huỳnh Thị Ái Nhân ngụ tại phường Ba Láng, quận Cái Răng cũng chọn sinh một con. Chị Nhân có công việc ổn định với mức lương 7 triệu/tháng. Sau khi sinh bé đầu tiên được 4 năm, vợ chồng chị dự định mua nhà riêng theo hình thức trả góp đóng lãi suất ngân hàng. Thế nhưng dịch COVID-19 bùng phát, chồng chị nghỉ việc ở công ty tư nhân rồi chuyển qua kinh doanh tự do. Thị trường mấy năm gần đây cũng chỉ ở mức tạm được nên đến nay kế hoạch mua nhà vẫn chưa “triển khai”. Chính vì thế mà dự định sinh con cũng chưa bắt đầu.
“Con em năm nay 10 tuổi nhưng em chưa có ý định sinh thêm, tại kinh tế khó khăn quá, xoay sở không đủ. Mặc dù con em nó thích em lắm, mà thấy bản thân nó đi học đồ đạc cũng không bằng người ta, thiếu thốn, nên thấy chưa tự tin để sinh thêm con”, chị Nhân nói.
Toàn thành phố Cần Thơ hiện có 289.274 hộ gia đình với 1.311.418 nhân khẩu. Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2024, thành phố có 6.000 phụ nữ sinh đủ 2 con, đạt tỷ lệ 50%. Từ năm 2010 - 2023 mức sinh của Cần Thơ đều dưới mức sinh thay thế, đặc biệt năm 2023, chỉ đạt 1,44 con/phụ nữ trong khi mức sinh thay thế của thành phố đặt ra là 2,1 con/phụ nữ.
Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn sinh đủ 2 con chỉ đạt 17,5%, trong khi chỉ tiêu là phải đạt 20%. Nhiều chương trình vận động, tuyên truyền được triển khai tại 60/80 xã, phường, thị trấn. Thế nhưng, hiệu quả chưa được như mong đợi.
Bà Đặng Chí Linh – Cộng tác viên dân số phường Ba Láng, quận Cái Răng thông tin rằng: “Đội ngũ cộng tác viên cũng đi vận động cả khu vực này. Tuy nhiên, mỗi hộ gia đình cũng hứa nhưng mà họ lại không sinh theo khuyến khích của mình”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP. Cần Thơ nhìn nhận, địa phương vẫn chưa có chính sách khuyến khích phụ nữ sinh thêm con thứ hai bằng hiện vật, mà phần lớn chỉ là tuyên truyền vận động. Kinh phí các chương trình, đề án về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình bị cắt giảm nhiều so với dự toán đã được UBND thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, thành phố tập trung thực hiện mục tiêu giảm sinh hằng năm suốt một thời gian dài nên các chính sách và thông điệp truyền thông chưa kịp chuyển đổi phù hợp với biến động ở những khu vực có mức sinh thấp.
Một khó khăn khác là nguồn lực đầu tư chưa tính đến đặc thù mức sinh của từng địa phương, chưa tạo được sự chủ động, quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách sinh đủ 2 con. Mức hỗ trợ thù lao cho cộng tác viên dân số hằng tháng quá thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác dân số cơ sở.
Chuyên gia tâm lý Ngô Thành Thuận, công tác tại Hội KHHGĐ TP. Cần Thơ góp ý giải pháp nâng mức sinh trên địa bàn TP. Cần Thơ: “Công việc và kinh tế phải ổn định thì người ta mới dám sinh 2 con. Thực tế bây giờ kinh tế khó khăn nên sinh một bé là người ta đã ngán ngẫm rồi. Chúng ta nên có chính sách hỗ trợ thêm cho công nhân, ví dụ như hỗ trợ học phí và BHYT… chắc có lẽ họ sẽ sinh”.
Đô thị Cần Thơ cũng chung “hoàn cảnh” với nhiều địa phương khác, hiện nay nhiều gia đình không dám sinh con vì sinh xong thì phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Các khu công nghiệp còn thiếu nhà trẻ. Các nhà trẻ tư nhân hoặc nhà trẻ tự phát lại thường có chi phí cao hoặc không đảm bảo chất lượng. Nói về giải pháp tổng thể và thực chất, ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết:
“Trong dự luật chúng tôi dự thảo để trình Chính phủ để làm thế nào đó khuyến khích các cặp vợ chồng kết hôn sớm, sinh đủ 2 con, để làm sao nuôi dạy con cho tốt, bên cạnh đó có những chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi nhất định như công ăn việc làm, nhà ở xã hội, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, để có thời gian tìm hiểu, thời gian kết hôn, thời gian chủ động điều kiện về kinh tế, khoảng cách giữa các lần sinh con để có thể chủ động sinh con, đảm bảo công tác dân số trong thời gian tới”.
Hiện nay, Cần Thơ cũng đối mặt với xu hướng kết hôn muộn, không muốn sinh con áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, nuôi dạy con. Ngoài ra tỷ lệ hiếm muộn tăng đã trở thành rào cản cho thiên chức làm mẹ của phụ nữ tại địa phương.
Việt Nam đã chạm mốc hơn 100 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, và xếp thứ 15 thế giới. Tuy nhiên, mức sinh trên toàn quốc đã giảm trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt ở khu vực thành thị. Cần Thơ cùng với 20 tỉnh/thành phố trong cả nước đang có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Điều này đòi hỏi thành phố phải sớm điều chỉnh chính sách, giải pháp đi vào thực chất để đưa mức sinh tăng trở lại đạt mức sinh thay thế. Nếu tương lai dân số giảm dần sẽ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 13 tỉnh/thành ĐBSCL thì chỉ có mỗi Trà Vinh là có mức sinh thay thế đạt tốc độ cho phép. Còn lại, hầu hết các địa phương của vùng này đều có mức sinh thấp hơn tỷ lệ khuyến khích. Chưa giàu đã già chính là lo ngại có căn cứ dựa trên thực tế hiện nay.
Không phải đợi 18 năm sau, chỉ khoảng 15 năm thôi, khi đứa trẻ bước vào tuổi thành niên, nếu không còn đến trường có thể gia nhập lực lượng lao động. Mức sinh giảm làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động và thiếu số lượng lớn nguồn nhân lực phục vụ cho đất nước.
Trong nhiều lí do dẫn đến việc giảm sinh có những lí do rất tự nhiên của xã hội như quá trình đô thị hóa tăng nhanh khiến giới trẻ mải mê công việc, ngại sinh con. Nhưng phần lớn vẫn là áp lực kinh tế tác động trực tiếp đến khả năng cán đáng của mỗi gia đình. Giải pháp trọng tâm số 1 hiện nay là truyền thông thay đổi tư duy chính sách dân số bởi chính sách dân số từ 1956 đến nay đều truyền thông giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng 2 con.
Một vài địa phương “nổi trội” tặng bằng khen và thưởng tiền mặt không quá 2 triệu/lần sinh đối với phụ nữ sinh đủ hai con. Tuy nhiên, để sinh môt đứa trẻ và nuôi nấng khôn lớn thì thưởng tiền thôi là chưa đủ mà cần phải có những chính sách hỗ trợ lâu dài.
Để khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con thì cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng. Trong đó, ngành xây dựng phải có nhà ở xã hội cho công nhân, ngành lao động tạo nhiều công ăn việc làm để nâng mức sống cho người trẻ.
Bên cạnh chính sách khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật cho cặp vợ chồng sinh đủ hai con thì cũng nên ưu đãi cho họ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu đãi học phí và BHYT cho học sinh. Kế đến là phải phát triển các dịch vụ để hỗ trợ các gia đình trẻ, phải có nhà trẻ trong khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Sinh con và nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất là mong muốn hiện nay của tất cả gia đình. Việc các gia đình không muốn sinh thêm con mấu chốt là do không đảm bảo cuộc sống. Vì thế, để khuyến khích gia đình sinh đủ 2 con thì cần đảm bảo an sinh xã hội tốt. Môi trường tốt, sinh con phát triển tốt thì mới đào tạo được nguồn nhân lực tốt cho đất nước.