Mưa lớn nhiều căn nhà ở Hậu Giang bị tốc mái

Nhiều căn nhà tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã bị tốc mái trong trận giông lốc chiều 8/8, gây nhiều thiệt hại.

Người dân Hậu Giang gia cố mái nhà đề phòng giông lốc

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, cơn mưa lớn kèm dông lốc xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 phút chiều 8/8 đã làm tốc mái 5 căn nhà của các hộ dân ở phường 3, thành phố Vị Thanh và tốc mái trụ sở UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Ước tổng thiệt hại khoảng 90 triệu đồng.

Nhận được tin báo, địa phương đã cử lực lượng xuống hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Từ đầu năm đến nay, dông lốc đã làm sập 13 căn nhà, tốc mái 58 căn nhà. Ước tổng thiệt hại 1 tỷ 789 triệu đồng.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh khuyến cáo người dân có biện pháp chằng, chống nhà cửa thiếu an toàn, cũng như cắt tỉa các cành cây xanh xung quanh nhà để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con.

Mặt khác, khi có giông lốc, sấm chớp thì khuyến cáo bà con tìm nơi trú ẩn an toàn để phòng sét đánh, cây đổ ngã. Thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, chủ động máy bơm thoát nước nhằm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái...

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản số 93 về triển khai công tác ứng phó vùng áp thấp trên biển Đông, theo đó để chủ động sẵn sàng ứng phó vùng áp thấp có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố: thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến vùng áp thấp, thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân, nhất là tại vùng sâu vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra rà soát phương án ứng phó phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương. Chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, cống bọng, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.