Mới lạ hệ thống phân loại rác nhựa tự động

Một nhóm các bạn sinh viên của Đại học Bách khoa đã nghiên cứu và cho ra đời một sáng kiến hệ thống phân loại rác nhựa tự động DTS giúp làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường nhưng chỉ có 27% rác thải nhựa được tái chế và sử dụng tại doanh nghiệp. Số rác thải nhựa không được tái chế gây ảnh hưởng lớn đối với môi trường và sức khỏe người dân.

Trong khi đó tại các cơ sở tái chế rác thải nhựa, việc thường xuyên tiếp xúc với rác thải nhựa chưa qua xử lý và ô nhiễm tiếng ồn ảnh đã ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Do vậy, ảnh hưởng đến tính liên tục và năng suất hoạt động của các nhà máy xử lý rác.

Hệ thống phân loại rác nhựa tự động DTS do các bạn sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM sáng chế

Từ thực tế khảo sát các nhà máy xử lý rác, nhóm các bạn sinh viên trường ĐH Bách khoa Tp.HCM đã dành hơn 1 năm để nghiên cứu, xây dựng hệ thống phân loại rác thải nhựa

Em Nguyễn Trí Thanh, Phụ trách dự án chia sẻ về những lợi ích của mô hình này:

"Giải pháp sẽ giúp thay thế được nhân viên làm việc hệ thống phân loại hệ thống đó và giúp cho năng suất của toàn bộ hệ thống được đảm bảo theo thời gian, ổn định, có thể đưa ra tiếp nhận một sản lượng  rác thải nhựa tái chế lớn hơn và có thể tái chế  nhanh hơn.  Đồng thời là cho mô hình có tính thích ứng với các loại rác khác nhau, phù hợp với các loại rác thải nhựa thực tế mà các nhà máy nhận theo mùa."

Rác thải khi đưa vào hệ động được nhận dạng tự động, hỗ trợ phân loại trong thời gian ngắn

Em Thanh cho biết thêm, Hệ thống phân loại rác thải nhựa DTS có điểm nổi bật là được kết hợp từ nền tảng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (sử dụng mô hình Vision) - mục đích để thay thế người công nhân trong việc tự nhận biết các loại nhựa không thể tái chế và loại nhựa có thể tái chế.

Các thành viên của nhóm dự án tự nghiên cứu và xây dựng mô hình AI và Robotic nên có giá thành thấp hơn từ 30-50% so với thị trường. Nhóm kỳ vọng, khi đưa vào áp dụng thực tế sẽ làm tăng hiệu quả của các nhà máy tái chế rác thải nhựa, nhất là khi quy định phân loại rác tại nguồn áp dụng từ 1/1/2025 có thể khiến lượng rác thại nhựa cần tái chế tăng cao.