Mộc mạc Lý Bông Dừa

Cà Mau vốn là cái nôi văn nghệ của vùng đất Nam Bộ, từ những ngày đầu đi mở đất, cha ông ta đã tự sáng tác câu hò, điệu lý để giải trí tinh thần trong giờ lao động. Mấy trăm năm, vùng đất này vẫn đầy quyến rũ để các thế hệ sống, làm việc, rồi có cảm hứng thảo nhạc, hành thơ.

Trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Thảo (43 tuổi) công tác tại trường Tiểu học xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn với bút danh Lý Bông Dừa. Dù sáng tác chỉ là nghề “tay trái”, nhưng soạn giả Lý Bông Dừa được ví như cánh diều mới nhanh chóng “no gió” trong vùng trời nghệ thuật, ngòi bút sung sức, viết bằng tình yêu, bằng sự mê say con chữ… và được người mộ điệu đón nhận nồng nhiệt.  

Bài hát mang tên “Đêm mưa nhớ mẹ” do soạn giả Lý Bông Dừa viết lời cổ, được thể hiện qua giọng hát nghệ sĩ Hồ Minh Đương, từng câu từ nghe da diết, thiêng liêng và ngọt ngào của giọng văn trữ tình Nam Bộ. Dẫn chúng tôi vào phòng thu các tác phẩm do soạn giả Lý Bông Dừa sáng tác, soạn giả Trần Hoàng Phúc – Hội viên Hội VHNT tỉnh Cà Mau không ngớt lời khen dành cho cô giáo có nghề “tay trái” này.

Thế hệ của anh Hoàng Phúc đi sau chị Lý Bông Dừa, ngoài ngưỡng mộ thì yếu tố Lý Bông Dừa nhận được lòng khâm phục của đồng nghiệp, đó là: ngòi bút có sức viết rất khoẻ, ca từ mộc mạc, bình dị. Sau khi tải bài hát lên mạng xã hội, chỉ thời gian ngắn thì có một người yêu ca hát ở nước ngoài liên hệ ngỏ ý xin được hát bài của tác giả vì quá thích.

Rồi cảm hứng, niềm mê viết cũng chính từ đây bắt đầu được khơi gợi lên trong tâm trí của Lý Bông Dừa: “Cô giáo Nguyễn Thị Thảo có nền tảng kiến thức vững chắc nên từng ngôn từ chị viết ra rất rõ ràng, nghe hợp tình. Từ đó công chúng dễ nghe, dễ cảm. Các sáng tác của chị hướng về đại chúng, thị trường… bởi vì chị thường được các nghệ sĩ trẻ đặt hàng. Trong từng bài vọng cổ của chị có hẳn những câu chuyện, kể về câu chuyện, mang tính tự sự và trữ tình rất cao. Chính vì vậy mà thính giả bình dân người ta rất thích”.

Giao diện được đăng trên nền tảng mạng xã hội thông tin về soạn giả mộc mạc Lý Bông Dừa

Bộc bạch với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thảo không kiềm nén nỗi xúc động, lẫn niềm vui… vì những đứa con tinh thần của mình được người mộ điệu và cả nghệ sĩ quan tâm, ủng hộ. Cái tên Lý Bông Dừa được chị Thảo chọn lấy vì chị sinh ra ở xứ dừa Bến Tre. Hồi còn đi học chị đã thích viết lách, mê ca hát. Cuộc sống khó khăn, học xong chương trình 9+3 song song với học sư phạm, 19 tuổi chị về công tác tại Trường Tiểu học xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn.

Tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết, chị được lãnh đạo phân công đảm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội, tổ chức phong trào Đội cho học sinh vùng quê nghèo cũng như các phong trào văn nghệ của trường. Nhờ có năng khiếu, chị được Phòng Văn hoá huyện Năm Căn mời kết hợp Đội tuyên truyền lưu động phục vụ trong huyện. Lĩnh vực văn nghệ quần chúng được chị tham gia nhiều thể loại như ca nhạc, cổ nhạc, đóng kịch ngắn, múa... Có khi đi chung với đoàn ca múa nhạc phục vụ khắp các huyện trong tỉnh nhân những sự kiện lớn.

Thời gian theo học đại học tại Cà Mau, chị lân la tìm đến CLB Đờn ca tài tử tỉnh để sinh hoạt. Nhiều tài tử trong CLB hướng dẫn thêm về bài bản, cách ca, có cơ hội được mời ca thu thanh để phát trên đài phát thanh của huyện hàng tuần. Máu văn nghệ của nhiều năm trước vẫn đủ sức nóng âm ỉ, chờ ngày có cơ hội “bộc phát”.

Nhưng cái chính vẫn là chất liệu cho sáng tác, riêng với Lý Bông Dừa, chất liệu chính đó là những khát vọng may mắn, sống đẹp: "Vốn sống của chị không phải chỉ mỗi chuyện chị đi làm mà có được mà từ xuất thân của chị nữa. Nhà chị xưa kia rất nghèo, chị lớn lên trong vất vả mưu sinh, bôn ba xa xứ… bản thân đối mặt với nhiều nghiệt ngã trong tình cảm. Càng vùi dập thì sự sinh tồn, ý chí càng muốn vươn lên. May mắn cuộc đời này nhận nhìn ra được là phải đi đúng đường. Tất cả những thứ đó đều là chất liệu để chị đưa vào sáng tác”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo (bút danh Lý Bông Dừa) tại lễ trao giải cuộc thi sáng tác do Công an Cà Mau phát động

Năm 2017, bài vọng cổ đầu tay mang tên “Chôn vùi kỷ niệm tình xa” được post lên trang cá nhân, không ngờ nhận được nhiều lời khen ngợi, đồng thời được một người bạn làm thành bản karaoke up lên Youtube như món quà tặng trân quý tài năng. Bài thứ hai “Tâm sự mùa gió chướng” cũng tiếp tục được đón nhận, vậy rồi một loạt bài vọng cổ nối tiếp nhau ra đời trong sự hăng hái bước vào “địa hạt” mới. Có người vì mê lối viết của chị mà lân la liên hệ chỉ để... kể chuyện đời tư mong được viết một bài cho riêng mình.

Sẵn sàng nhận lời, coi đó như điều kiện thuận lợi để có “tứ”, làm giàu thêm chất liệu sáng tác, cô giáo cứ mải ết viết như chính lời tâm sự của mình. Vở cải lương “Duyên muộn tình xuân” viết trong hai tuần được trình làng như một cột mốc lớn trong nghề viết của chị. Bên cạnh những lời trầm trồ, tác phẩm này cũng được thu thanh ngay sau đó. Bút danh Lý Bông Dừa từng bước khẳng định thương hiệu riêng như một làn gió mới. Chị Nguyễn Thị Thảo cho biết:

"Chị hiện đang là công tác viên của Đoàn Hương Tràm để sáng tác định kỳ. Riêng về an toàn giao thông thì chị đã viết được 10 chập cải lương để tuyên truyền. Cải lương thì có 1 vỡ đã phát hành và 2 vở đã viết hoàn chỉnh. Kịch dài thì đã phát hành bán vé được 1 lần tại sân khấu Sài Gòn”.

Sau những giai điệu da diết, mộc mạc... cô Lý Bông Dừa lại quay về với trường lớp thân yêu

Tuy chỉ gần 3 năm nhưng Soạn giả Lý Bông Dừa đã sáng tác hơn 400 bài vọng cổ và bài bản tài tử, rất nhiều bài trong số này được phổ biến trên các đài truyền hình: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre cũng như được nhiều nghệ sĩ ưa chuộng sử dụng như: Giọt men tình, Tiền thắng tình thua,  Mùa bông sậy, Lời hẹn quay về, Nhớ mãi tình cha,...

Hiện tại, chị liên tục được các đài và nhiều nghệ sĩ trẻ ở Sài Gòn liên hệ đặt hàng bài vọng cổ viết riêng. Là người công tác ở lĩnh vực sân khấu, soạn giả Trần Hoàng Phúc – Hội viên Hội VHNT tỉnh Cà Mau cũng tình nguyện sẽ góp sức để đưa sáng tác của chị Lý Bông Dừa lên sân khấu một cách hay nhất:

"Là anh chị em chung Hội VHNT thì chúng tôi luôn nhắc nhở nhau, hỗ trợ nhau để trao dồi kỹ năng ngày một vững chắc hơn. Năm 2023, chị Lý  Bông Dừa có một vở cải lương được trình diễn tại Hội diễn Tuyên truyền 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam đã nhận đượ sự ái mộ rất lớn của quần chúng. Và đây là thành công về mặt sân khấu khi chúng tôi hỗ trợ nhau”.

Tác phẩm "Thưa má con đi" của Lý Bông Dừa được phát trên Đài PTTH Bình Dương

Miệt mài tìm hiểu, học hỏi, thầy dạy tới đâu trò viết tới đó, tay nghề nâng lên qua từng ngày chẳng hay. Chập cải lương “Chợ dưới cầu” đầu tiên như một bài tập của thầy giao, khi viết xong được Đoàn Cải lương Hương Tràm chọn dàn dựng liền chương trình an toàn giao thông và đều đặn cứ thế hơn 10 chập cải lương ra đời phát sóng định kỳ hàng tháng.

Như cánh diều mới nhanh chóng no gió trong vùng trời nghệ thuật, ngòi bút của chị sung sức, viết bằng tình yêu, bằng sự mê say con chữ. Hầu như bài nào khi viết ra đều được sự giúp đỡ của kênh karaoke Nguyễn Thành Nhơn để up lên Youtube ễn phí. Ban đầu thấy bút danh lạ, nhiều người nhấp vào để hát rồi dần thương lối viết của chị nhiều hơn. Nói về nghề “tay trái” nhưng soạn giả Lý Bông Dừa vẫn dành cho một tình yêu và lòng biết hơn nồng nhiệt:

"Con đường viết lách của chị bước sang một trang mới, khi tác phẩm được đón nhận thì chị được nhiều địa phương cho thêm cơ hội. Ví dụ như tỉnh Cà Mau khi có sự kiện lớn cũng cho chị 1 cơ hội góp phần trong đó, hay chương trình Vầng trăng cổ nhạc cũng cho chị cơ hội sáng tác. Chị xem đây là lộc nghề may mắn”.

Sáng tác hướng về ền trung của soạn giả Lý Bông Dừa được các nghệ sĩ thu âm

Lý Bông Dừa của hiện tại và cô giáo của năm xưa tuy hai mà một và đang cố gắng vẹn tròn tất cả. Sau những giờ giảng trên lớp với học trò, chị lại về tròn vai với gia đình rồi sau đó ngồi vào bàn viết. Những tác phẩm nối tiếp nhau ra đời, lúc nào cũng bình dị, chân phương.

Chính sức đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Thảo đã làm phong phú thêm phong trào văn hóa – nghệ thuật trong quần chúng. Và cũng có những thế hệ như Lý Bông Dừa nối tiếp, càng giúp cho phong trào yêu văn nghệ ở cái nôi văn nghệ Nam Bộ - Cà Mau thêm đầy sức sống.