Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm đưa ra các điều chỉnh cần thiết.
Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XV đã chỉ ra rằng: Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta trong đó có ngành điện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà chủ yếu là điện năng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Điều này cũng đã được TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính) nhấn mạnh nhiều lần:"Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã có những quy định rất rõ về điều hành giá điện nói riêng, giá năng lượng nói chung. Đã yêu cầu phải áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Thứ hai là xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện nh bạch theo cơ chế thị trường.
Thế thì tính đúng tính đủ không phải là EVN tính bao nhiêu cũng được mà nó có cơ chế, quy định của Nhà nước. Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường để chúng ta có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được lợi ích của các bên tham gia".
Cụ thể những vướng mắc như là: các điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực chậm được triển khai; giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường; giá bán lẻ điện chưa phản ánh đầy đủ các chi phí trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ điện, chưa đưa ra được các tín hiệu thu hút đầu tư vào ngành điện, thu hút các đối tượng tham gia thị trường điện; nhiều dự án năng lượng trong nước không bảo đảm tiến độ đề ra dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng.
Mặt khác, có những dự án điện đầu tư chưa hợp lý, chưa đúng quy định, dẫn đến sai phạm, không sử dụng được, hoặc không được phép đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn cho xã hội…Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho biết thêm:
"Thực tiễn trong thời gian vừa qua chúng ta đã có một sự không ổn định về điện trong năm 2023, thì cái thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, cho doanh nghiệp, và nó tác động đến cả nền kinh tế của chúng ta, và thiệt hại là rất lớn. Như vậy, tôi cho rằng về mặt lâu dài câu chuyện này cần phải được giải quyết một cách triệt để. Về mặt căn cơ là phải cân bằng được lợi ích giữa duy trì được an ninh nguồn điện và hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, từ nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, doanh nghiệp và người dân".
Nhiều chuyên gia đánh giá cao Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã được bổ sung, sửa đổi gần như toàn diện Luật điện lực 2004, có nhiều “Chương, Mục” mới. Dự thảo Luật gồm 9 Chương, 130 Điều (giảm 1 Chương và tăng 60 Điều so với Luật Điện lực hiện hành).
Tính thị trường được thể hiện xuyên suốt trong gần như toàn bộ dự án luật, từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối đến tiêu thụ điện, nhất là chương/mục quy định cụ thể về “thị trường điện cạnh tranh” với nguyên tắc hoạt động “bảo đảm công khai, nh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh”. Chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long nhìn nhận:
"Một cơ chế giá theo thị trường sẽ tạo ra một môi trường nh bạch và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Điều này cần thiết để thu hút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng LNG và năng lượng tái tạo, góp phần tăng cường an ninh năng lượng. Và cơ chế giá thị trường sẽ giúp các nhà sản xuất điện sẽ điều chỉnh giá chi phí sản xuất trên cơ sở chi phí và nhu cầu, từ đó giảm thiểu lãng phí và tăng hiệu quả kinh tế. Và khi giá theo cơ chế thị trường điện thì phản ánh đúng chi phí sản xuất người tiêu dùng sẽ có động lực tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn giảm áp lực lên hệ thống điện".
Thế nhưng, qua rà soát, thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhấn mạnh việc bên mua cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu, dài hạn về bản chất là bao tiêu sản lượng điện tối thiểu. Theo đó, việc quy định cơ chế bao tiêu sản lượng điện đối với các đơn vị tham gia thị trường điện là không phù hợp với nguyên tắc hoạt động của thị trường cạnh tranh được quy định tại khoản 1 Điều 60 dự thảo Luật này.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của Luật điện lực (sửa đổi) đối với phát triển đột phá cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp mũi nhọn và ngay cả các ngành năng lượng mới trong lĩnh vực điện, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu quan điểm:
"Luật này không phải chỉ là chỉnh sửa những điều bất ưng, mà luật này nó đáp ứng nhu cầu rất hiện đại, rất mới của thời đại. Bây giờ là một cấu trúc phát triển hoàn toàn khác, nó đáp ứng các nhu cầu rất là khác. Nếu mà chúng ta không tạo ra được một cơ chế khuyến khích thật tốt cho điện, mà vẫn chỉ gọi là sửa cơ chế khuyến khích hiện nay (mà thực ra cơ chế này nó chẳng khuyến khích gì cả) thì toàn bộ các chiến lược của đất nước có khi là đổ, vì lấy đâu ra năng lượng điện để làm chíp bán dẫn, AI…"
Đồng quan điểm này, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, từ Luật đến các văn bản pháp lý liên quan để triển khai các dự án điện phải được nghiên cứu kỹ để đảm bảo không có sự chồng chéo dẫn đến không thực hiện được, hoặc không tạo ra cơ chế hấp dẫn trên thị trường cạnh tranh để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này:
"Tất cả những thứ mà chúng ta đặt ra mục tiêu về cách mạng số, liên quan đế kể cả công nghiệp bán dẫn, rồi rất nhiều bài toán đặt ra về phát triển thu hút đầu tư nếu không có điện là chết. Vậy thì bây giờ chúng ta phải quay lại tất cả mọi quy định, về quy hoạch, rồi các nghị định, thông tư, quyết định cũng đều để chỉ giải quyết một bài toán - đấy là trách nhiệm của Chính phủ phải làm sao để khối tư nhân thấy những rủi ro trong câu chuyện về hành lang pháp lý liên quan đến câu chuyện triển khai Chính phủ đã giải quyết hộ tôi".
Sau gần 20 năm, Luật Điện lực đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế. Do vậy, phát triển một thị trường điện cạnh tranh thì chính sách cho thị trường ấy cũng cần phải rõ ràng, nh bạch. Một số chuyên gia nhấn mạnh tại dự thảo lần này một số nội dung quy định chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau và có thể sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của Luật./.