Lừa bán gia phả: Không mới nhưng vẫn có người mắc bẫy

Những ngày qua VOV Giao thông nhận được phản ánh về tình trạng một nhóm người xưng là đại diện Ban liên lạc Dòng họ Trần, gửi giấy mời họp dòng họ qua đường bưu điện cho những người cao tuổi, kèm theo là bưu kiện với nội dung "Gia phả dòng tộc", phí thanh toán 500.000 đồng!

500 ngàn đồng cho một cuốn văn khấn photocopy chỉ đáng giá hai, ba chục ngàn đồng. Chất lượng sách rất kém. Nội dung chung chung. Không liên quan đến gia phả dòng họ, cũng khác xa với thông tin mà ông T.V.L (Hoàng Mai, Hà Nội) đã trao đổi với các đối tượng tự xưng là đại diện Ban liên lạc dòng họ Trần khi chúng liên hệ với ông.

Anh T.T.A, con trai ông L bức xúc nói với PV: "Đấy nó thu 500.000, xong mở ra là cái quyển photo rẻ tiền, toàn văn khấn chứ có phải gia phả dòng họ gì đâu. Xong nó còn bảo ngày 27/2/2023 là có người liên lạc lại, có xe đón lên UBND Hà Nội ở Lê Lai để họp, nói là có phong bì mỗi người 1 triệu khi đi họp. Nói chung là lừa đảo!"

Bên ngoài cuốn "Gia phả dòng tộc" có phí thanh toán 500 nghìn đồng

Trong vai người nhà ông L, PV đợi tới trưa ngày 27/2/2023 để liên lạc theo số điện thoại mà các đối tượng ghi trong "Giấy mời họp". Không ngoài dự đoán, số điện thoại này đã khóa. Còn địa chỉ mà các đối tượng viết trên bưu kiện của bưu điện là 57 Phạm Hùng! Đây là địa chỉ của Trung tâm Hội nghị Quốc gia. PV đã tới tận nơi và được xác nhận: Trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia chẳng có Ban Liên lạc dòng họ Trần nào thuê trụ sở hay đặt văn phòng.

Nhận định đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng hình thức này rất dễ khiến người lớn tuổi mắc bẫy do liên quan đến dòng họ, gia phả, gốc gác gia đình...

TS.Trung tá Trần Thị Minh Thùy, Phó trưởng Khoa Luật học, Học viện An ninh nhân dân cảnh báo: "Người cao tuổi rất dễ bị dính bẫy vì nhu cầu tìm hiểu về nguồn cội, gốc gác của gia đình. Hơn nữa, các đối tượng còn mời đi họp họ, hứa hẹn đủ thứ… dễ khiến người dân bị dụ dỗ. Ví dụ như điện thoại mời mua Gia phả, số tiền từ 300.000 - 500.000 đồng, nhưng nhận về thì chỉ có quyển sách rất rẻ tiền, bán đầy ở hiệu sách, rất chung chung về cúng bái. Hãy hết sức cảnh giác với các số điện thoại lạ, người lạ khi yêu cầu mua hay làm gì đó."

Nói về cách phòng ngừa khi đối tượng chuyển đồ và yêu cầu thanh toán qua đường bưu điện, Trung tá Thùy nhấn mạnh: "Rõ ràng là mình sẽ không được chuyển tiền trước cho người lạ nếu họ yêu cầu mua bán gì đó. Như vậy xác định là mình sẽ mất trắng số tiền đã chuyển cho chúng. Còn khi gửi hàng qua bưu điện, qua người giao hàng, thì hãy yêu cầu được mở ra xem hàng có đúng với những gì đã trao đổi không. Nếu không thì không trả tiền hoặc nhờ phía bưu điện hợp tác tìm ra kẻ lừa đảo."

Không rõ đã có bao nhiêu người bị lừa trong vụ việc này. Hi vọng qua hướng dẫn của chuyên gia và những thông tin cảnh giác trên phương tiện truyền thông thời gian qua, người dân, đặc biệt là người cao tuổi hãy nâng cao tinh thần phòng ngừa, tra soát kĩ thông tin trước khi làm theo bất cứ yêu cầu nào của người khác. Nếu cần, hãy liên lạc ngay với cơ quan công an để được đảm bảo sự an toàn.

Nếu gặp những trường hợp tương tự, quý thính giả cũng có thể liên hệ với đường dây nóng của VOVGT, 02437.91.91.91 tại Hà Nội hoặc 02839.91.91.91 tại TPHCM hoặc qua Fanpage VOV Giao thông.